Ô nhiễm từ chất thải công nghiệp
Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp luôn là vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương hiện nay. Việc xả thải trực tiếp đã gây ra những thiệt hại lớn đến môi trường cũng như sức khỏe, đời sống người dân.
Kênh Tham Lương, phường Đông Hưng Thuận, ô nhiễm nghiêm trọng do các cơ sở dệt, nhuộm thường xuyên xả trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN |
Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua như Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải; Công ty Hào Dương xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền gây ô nhiễm trầm trọng cả một vùng... hay mới đây là câu chuyện xả thải của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), dù chưa có kết luận chính thức nhưng cũng khiến dư luận bức xúc.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, quản lý chất thải công nghiệp đang có “vấn đề”. Việc kiểm tra, giám sát, thanh tra và quan trắc môi trường về xả thải ở Việt Nam đang thiếu tính hệ thống, vẫn rời rạc và gần như không có kết nối giữa Trung ương với địa phương, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.
“Đơn cử như vụ việc của Công ty Formosa vừa qua, đến bây giờ chúng ta mới yêu cầu kết nối nguồn xả thải với hệ thống quan trắc môi trường của Hà Tĩnh, còn trước đây họ xả thải ra cái gì chúng ta không biết”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dẫn đến hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng, ô nhiễm xyanua liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản, hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn...
Đánh giá sơ bộ, lượng chất gây ô nhiễm biển nguồn lục địa tại một số vùng biển ven bờ cho thấy, vùng biển ven bờ Hải Phòng - Quảng Ninh, Đà Nẵng - Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh mỗi năm tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn COD (các hợp chất hữu cơ có trong nước) và hàng chục tấn hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng... Thậm chí, vùng biển ven bờ Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp nhận khoảng 430 tấn kim loại nặng các loại mỗi năm.
TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) cho biết, việc DN xả thải trộm ra môi trường là điều vẫn diễn ra và số lượng DN bị phát hiện ít hơn so với số lượng thực tế rất nhiều.
Đồng bộ về giám sát, quy hoạch
Theo TS Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản về quản lý môi trường nhưng năng lực theo dõi, kiểm soát hiện nay chưa tốt; cộng với đó là ý thức DN chưa cao. Thậm chí có những nhà máy sản xuất xi măng trang bị hệ thống xả thải khi đoàn của các cơ quan chức năng đến kiểm tra thì vận hành tốt, ban ngày làm đúng quy trình nhưng đến tối, họ xả trộm trực tiếp ra môi trường.
“Qua câu chuyện nước thải của Formosa, tôi nghĩ tại sao chúng ta không có hệ thống kiểm soát trung gian để bất kỳ ai, cơ quan kiểm soát nào từ cảnh sát môi trường, cơ quan quản lý hay người dân có thể phát hiện ra nước thải đó xảy ra ở mức độ như thế nào, ai cũng có thể thấy độ đục, màu, mùi... Hoặc yêu cầu công ty xả ra đoạn kênh hở vài trăm mét để kiểm soát sau đó mới cho thải ngầm”, TS Sinh đề xuất.
Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường và là một thành phần trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đến nay quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường này.
Về vấn đề phát triển các khu công nghiệp ven biển, GS Đặng Hùng Võ cho biết, hiện đã quy hoạch khoảng 60 khu kinh tế ven biển và cửa khẩu, trong đó có công nghệ thép, nhiệt điện.... “Nguồn xả thải từ các khu công nghiệp này sẽ lớn ảnh hưởng đến môi trường biển. Các khu kinh tế mới cân nhắc đến lợi ích phát triển kinh tế chứ chưa cân nhắc tới lợi ích về môi trường”.
Các chuyên gia kiến nghị, để đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa lợi ích môi trường, cần đẩy mạnh việc giám sát trong xả thải. Các cơ quan chức năng phải rà soát hệ thống quan trắc, xả thải tại các KCN để không xảy ra những vấn đề ô nhiễm môi trường như vừa qua. Việc kiểm soát, thanh tra, kiểm tra phải kết nối thành một hệ thống từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý địa phương, Trung ương thì mới đảm bảo giám sát toàn bộ.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, người dân và các tổ chức xã hội dân sự cần tham gia giám sát môi trường. Tuy vậy, để người dân tham gia giám sát cũng cần có quy định cụ thể. “Hiện nay duy nhất mới chỉ có Luật Đất đai có 1 điều khoản cho phép người dân giám sát trực tiếp, còn các luật khác không có. Tôi đề nghị Quốc hội bổ sung ngay vào Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua”, GS Võ nhấn mạnh.