Việc sử dụng nước lãng phí trong sản xuất cũng như sinh hoạt và tình trạng ô nhiễm nguồn nước là những lý do chính khiến cho nguồn nước ngày càng bị khan hiếm. Do đó, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
Gia đình ông Trần Đình Tuấn (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) làm nghề trồng cà phê đã nhiều năm nay. Phương thức tưới chủ yếu gia đình ông áp dụng là tưới tràn bằng nước giếng đào. Ông Tuấn cho biết, gia đình ông chỉ tưới theo thói quen, đến bao giờ thấy đủ nước, đủ ẩm thì thôi chứ không đo được lượng nước tưới là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong tình trạng nắng hạn như hiện nay, nước cũng cạn nhiều, trước đây, tưới liên tục mấy tiếng liền vẫn đủ nước. Nhưng, hiện nay chỉ tưới 1 - 2 tiếng là đã hết nước. “Tôi đã nghiên cứu rất kỹ những phương thức tưới tiết kiệm nước của Israel như tưới nhỏ giọt, tưới ngầm... Tuy nhiên chi phí đầu tư quá cao, tầm 70 - 80 triệu đồng/ha trong khi đó giá cà phê lại xuống thấp nên gia đình không thế đầu tư được”, ông Tuấn trăn trở.
Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất hiện nay. |
Theo các nhà khoa học Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, do cây cà phê có nhu cầu nước cao nên chi phí tưới nước cho cà phê khá tốn kém, chiếm từ 25 - 30% tổng chi phí. Hàng năm, do quy mô trồng cà phê ngày càng mở rộng và diện tích tăng nhanh nên cứ đến mùa khô là các hệ thống dự trữ nước của các địa phương đều khô cạn, mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Bà con thường áp dụng hai hình thức tưới: Tưới phun mưa hoặc tưới gốc đều sử dụng một lượng nước tưới rất cao. Trung bình một lần tưới thì một cây cà phê chỉ cần 300 - 400 lít nước nhưng người dân thường tưới từ 700 - 1.000 lít nước, lượng nước bị lãng phí lên tới trên 50 - 70%. Điều này, không những gây lãng phí nước, mà còn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất do nhiều chất dinh dưỡng trong đất bị mang đi theo cùng với lượng nước dư thừa thấm xuống các tầng đất sâu hơn phạm vi hoạt động bộ rễ của cây cà phê.
Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, giữa giai đoạn hạn mặn diễn ra khắc nghiệt tại nhiều địa phương, nông dân vẫn chưa chú trọng tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất. Anh Trần Văn Hồ ngụ xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thường sử dụng nước khoan để tưới cho cả chục ha hành tím, cho biết, nhà anh khoan giếng sử dụng để tưới cho cây hành, dưa hấu và sử dụng trong sinh hoạt, thường cũng không tính đến nên sử dụng như thế nào cho tiết kiệm, được đến đâu hay đến đó. Những ngày qua, nắng kéo dài nên tần suất tưới cũng tăng lên.
Đại diện Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, cho rằng việc sử dụng nước ngầm để tưới hoa màu như hiện nay của người dân là rất lãng phí. Bởi với cách tưới như hiện nay, người dân chỉ sử dụng được khoảng 20% lượng nước cho tưới tiêu, còn lại 80% lượng nước tràn ra ngoài, không thể thẩm thấu vào đất để phục vụ cho hoa màu. Sự lãng phí nguồn nước ngọt không chỉ khiến cho sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nước mà còn khiến xâm nhập mặn càng lấn sâu vào nội đồng.
“Thực tế cho thấy hạn hán diễn ra đang ngày càng gay gắt, để hạn chế tình trạng trên, ngành thủy lợi cũng đã đầu tư và hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống tưới phun, nhưng vì nhiều lý do người dân không thích sử dụng theo biện pháp này. Bên cạnh đó, nếu ngăn không cho người dân sử dụng nước ngầm thì cũng rất khó bởi chúng ta vẫn chưa cung cấp đủ nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất”, đại diện này cho biết.
TS Đào Trọng Tứ , Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết, cho đến nay, ngành nông nghiệp vẫn được coi là ngành tiêu tốn nhiều nước nhất với tỷ lệ sử dụng chiếm 70 - 80% nguồn nước, tuy nhiên việc sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp chưa thật sự hiệu quả.
Cũng theo TS Tứ, Việt Nam có khoảng 63% trong tổng trữ lượng nguồn nước là bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mê Kông. Lượng nước sinh ra từ chính lãnh thổ Việt Nam chiếm 37% tổng lượng dòng chảy năm của đất nước, khoảng 310 - 315 tỷ m3. Theo tiêu chí đánh giá của Hội Tài nguyên nước Quốc tế, nếu tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã là quốc gia thiếu nước. Do đó, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
Bài 2: Thay đổi thói quen sử dụng nước