TÁI TẠO VÀ BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC HỢP LÝ
Suy giảm tài nguyên nước
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.372 con sông và nguồn nước mưa dồi dào, mỗi năm khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình 1.500 - 2.000 mm. Tuy nhiên lại đang tồn tại một nghịch lý, khi mưa nhiều thì gây ra lũ lụt, ngập úng, hết mưa thì hạn hán, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt.
Theo tính toán, lượng nước bình quân/người tại Việt Nam đã giảm khá nhanh từ 12.800 m3 vào năm 1990, còn 9.700 m3 năm 2010 và có khả năng chỉ còn 8.300 m3/người vào năm 2025 khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người. Trong khi nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt và bị khai thác quá mức ở nhiều nơi, thì nguồn nước ngọt thay thế bù vào nhu cầu nước ngày càng tăng trong tương lai sẽ là nguồn nước mưa và nước tái sinh. Tuy nhiên, cả 2 nguồn nước này đang chưa được quan tâm đúng mức.
Hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil cạn trơ đáy dù người dân khu vực này chỉ mới tưới được khoảng 50% diện tích cà phê. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN |
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho biết, nước mưa là nguồn tài nguyên quan trọng, góp phần tái tạo nguồn nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ hạn hán nhờ phục hồi được sự tuần hoàn nước tự nhiên. Đặc biệt, nước mưa có thể đảm bảo cho sự tồn tại của con người khi có các biến cố thời tiết như hạn hán, xâm mặn... Bên cạnh đó, việc thu gom nước mưa tại các đô thị sẽ có một vai trò đáng kể trong việc giảm ngập úng tại các đô thị, khi lượng nước mưa đổ về các tuyến cống thoát nước quá lớn trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa coi trọng nguồn tài nguyên này.
Cùng với đó, vấn đề tái tạo nguồn nước cũng chưa được chú trọng cả trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Theo kết quả khảo sát về tình hình sử dụng nước do Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh thực hiện, chỉ có 12,5% doanh nghiệp đang tái sử dụng nước trong hoạt động sản xuất, 15,6% doanh nghiệp cho biết mới chỉ “có ý định” tái sử dụng nước chứ chưa thực hiện, còn lại phần lớn các doanh nghiệp khác cho biết chưa có công nghệ và cũng chưa có ý định tái sử dụng nước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, sở dĩ doanh nghiệp cũng như người dân chưa chú trọng đến tái sử dụng nguồn nước do chưa có quyết định bắt buộc các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức tái sử dụng nước thải, cùng với đó cũng chưa có một quy chuẩn về nước tái sử dụng và chi phí đầu tư công nghệ quá cao. |
“Trước đây chúng tôi đã về những vùng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... và đã khuyến cáo bà con nên xây dựng các ao nhỏ để giữ nước mùa mưa và khuyến cáo doanh nghiệp tái sử dụng lại nguồn nước vì đây là những vùng khan hiếm nước nhưng không được coi trọng. Đến khi hạn hán xảy ra, thiếu nước trầm trọng thì người ta mới nhìn ra lợi ích của những nguồn nước này”, TS Tứ cho biết.
Chưa bắt buộc tái sử dụng nước
Ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sở dĩ vấn đề tận dụng nước mưa hay tái sử dụng nguồn nước chưa được coi trọng phần lớn là do người dân cũng như doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của những nguồn nước này. Riêng đối với việc tái sử dụng nước, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa có ý định này do thấy vấn đề thiếu nước ở Việt Nam chưa cấp bách, phí sử dụng nước không quá đắt trong khi đó chi phí đầu tư công nghệ cho tái sử dụng nước lại cao.
Hiện nay, các chính sách khuyến khích tái sử dụng nước vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, ngày 8/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP, quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Theo nghị định trên, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được hưởng ưu đãi gồm tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn; thu gom nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt; khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng cho mục đích sinh hoạt; sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm; áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Với các hoạt động này, doanh nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế và tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Tuy nhiên những chính sách hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích, động viên doanh nghiệp, người dân chứ chưa phải là quy định bắt buộc nên rất khó để áp dụng trong quá trình sản xuất cũng như sinh hoạt.
Cùng với đó, hiện nay chưa có quy chuẩn cho nước tái sinh dùng cho từng loại mục đích cụ thể. Dẫn đến doanh nghiệp sau khi tái sử dụng nước thải, cũng chưa biết nên sử dụng nguồn nước này vào mục đích gì.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong khi nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm và có nguy cơ ô nhiễm cao; nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt thì việc tận dụng hai nguồn nước mưa và nước tái sinh là giải pháp cần hướng tới trong tương lai.
“Hiện nay, do chưa có quy hoạch tài nguyên nước nên chúng ta chưa tính toán được về trữ lượng và định hướng khai thác như thế nào cho hợp lý. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước, có quy định cụ thể bắt buộc bằng luật về vấn đề tái tạo nguồn nước. Nếu có những chương trình đầu tư hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tận dụng và khai thác tốt hai nguồn nước này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và có ý nghĩa về nhiều mặt, cả chính trị, xã hội lẫn kinh tế, môi trường...”, ông Triệu Đức Huy đề xuất.
“Đối với những vùng khan hiếm nước Trung tâm Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đã đề xuất giải pháp lưu giữ nước trong lòng đất làm kho nước an toàn, dự phòng sử dụng trong mùa khô. Đặc biệt ở Tây Nguyên, chúng tôi đã nghiên cứu tìm ra các cấu trúc dưới lòng đất có thể lưu giữ nước như những bể ngầm tự nhiên. Với mô hình này cần đầu tư xử lý nước đạt chuẩn khi đưa xuống và kỹ thuật khai thác nước lên. Theo tính toán, chi phí để xây dựng những “bể ngầm” này sẽ rẻ hơn xây dựng hồ chứa”. Ông Triệu Đức Huy, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia |