Tưới tiết kiệm
Những ngày cuối tháng 3, con đường đi vào xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) bỏng rát dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Qua một chặng đường dài ngoằn ngoèo với 2 bên là những khóm xương rồng xơ xác, khi đến đầu thôn Tuấn Tú, không khí như mát hẳn bởi màu xanh mướt mắt của rau, màu, hoa... Là vùng đất khô cằn có gần 30% là đất bạc màu nhưng bà con nơi đây đã mạnh dạn áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, khoan giếng, tận dụng hợp lý nguồn nước ngầm, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Theo định hướng từ nay đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục duy trì nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả từ tưới nước tiết kiệm.
Nhờ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, vườn rau màu này vẫn mướt màu xanh giữa tiết trời khô hạn. |
Xã đang có 400 hộ nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, canh tác trên diện tích 150 ha rau, màu. Khi sử dụng hệ thống này người dân không chỉ tiết kiệm được nước, mà còn tiết kiệm được thời gian, công lao động, lại cho năng suất cao. Dù không có công trình thủy lợi nào, nhưng nhờ mô hình tưới nước tiết kiệm, cây trồng vẫn được tưới đủ nước để sinh trưởng, gia tăng lợi nhuận. “Thông qua Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh thuộc Dự án Hỗ trợ tam nông, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ hỗ trợ các hộ thành viên vật tư phân thuốc, máy bơm và ống nước để lắp đặt, mở rộng hệ thống tưới tiết kiệm", ông Nguyễn Tín, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho biết.
Được mệnh danh là thủ phủ của cây thanh long, tỉnh Bình Thuận cũng đang hướng dẫn, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen trong sử dụng nước tưới. Thay vì tưới tràn trề không có định lượng, kế hoạch rõ ràng như thời gian trước, hiện rất nhiều trang trại đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên vườn cây thanh long. Theo tính toán của bà con, khi sử dụng hệ thống tưới với thời gian một năm, nhà nông tiết kiệm được 50% lượng nước tương đương với khoảng 25 triệu đồng, năng suất tăng thêm 30 - 40%.
"Việc tưới bằng hệ thống này còn giúp nước thấm sâu hơn, không tràn ra khỏi bồn, hạn chế cỏ dại. Nếu kết hợp bộ hút phân trong hệ thống, còn giúp bà con tiết kiệm chi phí bón phân, cây hấp thu phân bón hiệu quả hơn", anh Vũ Đình Chinh ở xã Thuận Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) nhận xét.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, so với cách tưới truyền thống trước kia, mô hình tưới nước tiết kiệm tác động trực tiếp giúp cây trồng phát triển mạnh, tiết kiệm nguồn nước ngầm, nhất là trong điều kiện hạn hán đang diễn ra gay gắt như hiện nay. Mô hình còn giúp tiết kiệm được công lao động, giảm thiểu chi phí sản xuất như công tưới, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường...
"Đơn cử như cây thanh long, biện pháp tưới phổ biến của người dân là dùng máy bơm áp lực cao bơm vào đường ống và người lao động cầm ống tưới từng gốc cây. Với cách tưới thủ công này, mức tiêu hao nước ở khoảng 4.800 - 5.200 m3 nước/ha/năm, lượng nước thẩm thấu vào lòng đất chỉ đạt khoảng 30% mà còn làm cho đất bị bão hòa nước, tạo ra dòng chảy mặt, dẫn đến đất bị rửa trôi các chất màu mỡ hoặc hóa lầy sau khi tưới, không tốt cho nông nghiệp. Về lâu về dài, những mô hình tưới tiết kiệm như trên cần phải được nhân rộng, cũng như có chính sách vận động nhà nông tham gia", ông Trung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cho hay, để ứng phó với hạn hán, viện đang tập trung nghiên cứu, xây dựng những mô hình sản xuất theo hướng sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Những giải pháp, sáng kiến của nông dân trong việc tưới nước tiết kiệm sẽ được nhân rộng đến các địa phương trong nỗ lực vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa giảm được chi phí, tiết kiệm nước tưới.
"Dù có nguồn nước phong phú nhưng sử dụng không tiết kiệm thì cũng sớm cạn kiệt. Để khai thác hợp lý nguồn nước, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, tuyên truyền hướng dẫn nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất lúc này là vốn ban đầu lớn, dao động từ 30 - 100 triệu đồng/ha nên ngành chức năng sẽ sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời giúp người dân mạnh dạn đầu tư", ông Phương nói thêm
Bài 3: Củng cố hệ thống hồ chứa thủy lợi