Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ rau, củ, quả tại chợ Đông Văn, Đông Sơn. |
Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn và công khai 14 địa chỉ bày bán thực phẩm an toàn là kết quả bước đầu quan trọng, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển bền vững sản xuất nông sản thực phẩm an toàn ở Thanh Hóa.
Thời gian qua, Thanh Hóa đã chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn với những sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân, gồm các chuỗi cung ứng gạo, rau quả, thịt gia súc - gia cầm, trứng gia cầm và thủy sản. Cụ thể như chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm của Công ty Cổ phần thực phẩm Phú Gia - ITC, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm sạch Phúc Vinh, Thực phẩm sạch ITC-Food, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm sạch Đức Tần, Công ty cổ phần chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa, Công ty cổ phần Nông sản, thực phẩm Việt Hưng... Các đơn vị này cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn thịt/tháng, thị trường tiêu thụ chính là các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, trường học, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các huyện, thị xã có khu công nghiệp. Hiện tại Thanh Hóa cũng có 6 đơn vị tham gia cung ứng rau quả, sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 1.600 tấn/năm; 3 đơn vị tham gia chuỗi cung ứng gạo, sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 6.000 tấn/năm; 2 đơn vị tham gia cung ứng trứng gia cầm, bình quân cung ứng ra thị trường khoảng 670.000 quả trứng/tháng và 6 đơn vị tham gia cung ứng sản phẩm thủy sản cung ứng ra thị trường hằng năm khoảng 500.000 lít nước mắm, 3,5 tấn mắm tôm, mắm chua, 450 tấn tôm chân trắng, 100 tấn cá rô phi, 150 tấn cá, mực, tôm đông lạnh các loại...
Đề án chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được một hệ thống nông sản khép kín được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng. Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp có chức năng khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường để điều tiết sản xuất, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm. Người nông dân được đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập từ việc tham gia sản xuất sản phẩm nông sản an toàn. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch, an toàn. Đặc biệt, nếu không may xảy ra bất cứ sự cố nào đối với người tiêu dùng hay nông sản thì thông qua việc kiểm tra lại quy trình lưu thông nông sản trong chuỗi sẽ truy xuất được nguyên nhân, như vậy lợi ích của người tiêu dùng luôn được đảm bảo.
Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa tham quan và kiểm tra mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại huyện Đông Sơn. |
Sự tham gia tích cực doanh nghiệp, người sản xuất, sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là những điều kiện để tiếp tục nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo cung cấp cho thị trường thực phẩm, nông sản an toàn. Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ, sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Mọi sản phẩm, hàng hóa nằm trong chuỗi đều đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn nhờ được kiểm soát từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến chế biến và cả trong quá trình sản xuất, lưu thông từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
Theo ông Đỗ Xuân Trường - Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng. Tuy nhiên, trong thời gian, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn cần tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm; duy trì, nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo VietGAP, GMP/SSOP, HACCP, ISO 22000… trong hoạt động trong sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn của đơn vị kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, rất cần có sự quan tâm khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các ngành liên quan, bởi khi chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành, ngoài người tiêu dùng nhận được lợi ích, thì người sản xuất, kinh doanh cũng được bảo đảm đầu ra, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa tham quan mô hình sản xuất rau, củ quả an toàn trong nhà lưới. |
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn đảm bảo được số lượng sản phẩm thực phẩm qua chuỗi. Trong đó, riêng năm 2018, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có 30% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận. Đồng thời trên địa bàn mỗi huyện đồng bằng, ven biển phải có ít nhất 4 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, khu đô thị tập trung đông dân cư và mỗi huyện miền núi có ít nhất 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Riêng tại mỗi phường ở thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn phải quy hoạch ít nhất 1 điểm có diện tích tối thiểu 30m2 để các tổ chức, cá nhân mượn (không thu phí) xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn bởi việc có thêm các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện đại và là nhu cầu tất yếu của người dân.