Một trong những giải pháp hữu hiệu để "giữ chân" lao động trẻ ở nông thôn là đưa nhà máy về làng. Tỉnh Hưng Yên đã thực sự “thay da, đổi thịt” nhờ chính sách này, người dân không còn phải bỏ làng, bỏ xóm đi làm thuê nơi khác, đồng thời thu nhập cũng tăng lên đáng kể.
Bài 4: Đưa nhà máy về làng
Ly nông bất ly hương
Thực tế tại Hưng Yên cho thấy, việc đưa nhà máy về làng là hành động "nhất cử, lưỡng tiện" đối với cả công nhân và nhà máy. Người nông dân vừa có ruộng để cấy, vừa làm công nhân ngay tại quê, nên không phải lo chi phí thuê nhà, ăn ở đắt đỏ ở các khu công nghiệp ven đô, lại có điều kiện chăm sóc gia đình và thu nhập ổn định. Nhà máy cũng không lo mất công nhân trong dịp cuối năm.
Chị Quỳnh Hoa, một công nhân ở nhà máy may Tiên Hưng (cơ sở của May Hưng Yên) tại huyện Tiên Lữ cho biết: "Trước đây, tôi đi làm may ở khu công nghiệp gần thành phố, lương chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng nhưng phải chi trả rất nhiều chi phí như: Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, nước… nên chẳng để ra được bao nhiêu”.
Từ khi Hưng Yên có chính sách đưa nhà máy về làng, chị Hoa chỉ còn đi làm cách nhà hơn 1 km. Hơn nữa, không phải tốn kém tiền thuê nhà, tiền điện, tiền ăn và các chi phí đắt đỏ khác ở thành phố.
“Mức thu nhập của tôi giờ hơn 2,5 triệu đồng/tháng, cũng giúp tôi ổn định cuộc sống. Sau này, khi có gia đình và có con nhỏ, tôi có thể nhờ bố mẹ trông con giúp, không tốn kém tiền gửi con”, chị Hoa tính toán.
Đời sống người dân Hưng Yên được nâng lên nhờ chính sách đưa nhà máy về làng của tỉnh Hưng Yên. |
Tương tự như chị Hoa, chị Minh trước khi làm ở doanh nghiệp may Hưng Long từng đi lao động xuất khẩu. Chị Minh cho biết, muốn đi lao động nước ngoài phải bỏ ra một khoản tiền lớn để lo chi phí thủ tục.
Sau 3 năm làm việc, trừ chi phí thì cũng chỉ để ra được vài chục triệu đồng. Trong khi đó, làm việc ở May Hưng Long có mức lương gần 4 triệu đồng/tháng, sau 3 năm cũng tiết kiệm được 60 - 70 triệu đồng, tương đương đi xuất khẩu lao động. Hơn nữa, làm việc tại địa phương lại có điều kiện chăm lo nhà cửa, chăm sóc gia đình.
Trên thực tế, trước đây phải làm xa nhà, chi phí cao nên tính ra với những người như chị Minh, chị Hoa, thu nhập chẳng được bao nhiêu mà mỗi lần về thăm nhà cũng rất tốn kém. Nay khi nhà máy đã được chuyển về nông thôn thì thu nhập của người dân cũng tăng lên, bản thân họ cũng không nghĩ tới bỏ việc, hay chạy sang nhà máy khác làm nữa.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thừa nhận, mong muốn đưa nhà máy về làng cũng chính là chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương. Mong muốn này xuất phát từ thực tế, ở Hưng Yên, với 2,5 sào ruộng bình quân đầu người, một lao động nông nghiệp nếu trồng lúa hay hoa màu chỉ cần làm một tháng là hết việc. Nếu không có nghề phụ thì họ “ngồi chơi xơi nước” tới 11 tháng.
Nếu không có công nghiệp về làng thì đời sống của người dân nông thôn khó mà khá lên được, nói gì tới chuyện xây dựng NTM.
Thực tế, việc đưa nhà máy về nông thôn đã giúp doanh nghiệp không phải chi phí xây nhà cho công nhân. Thu nhập 3 - 4 triệu/tháng, nên 3 - 4 năm sau họ có thể dùng tiền để sửa nhà cửa, nâng cao đời sống.
Không những thế, khi người nông dân đi làm công nhân, họ sẽ cho thuê lại ruộng đất; sẽ có nhiều hơn những mô hình ruộng đất tập trung quy mô lớn trên 1 mẫu hoặc hơn thế. Ruộng đất được tập trung hơn thì người nông dân ở các địa phương cũng có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, sản xuất nông nghiệp hàng hóa... ở quy mô lớn; giúp tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của nhiều vùng quê Hưng Yên...
Không "ăn xổi"
Nhưng tới nay, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại đưa nhà máy về nông thôn, vì lao động ở nông thôn tuy thừa về số lượng nhưng lại thiếu và yếu tay nghề, kỹ năng. Chưa kể, chi phí đầu tư ban đầu để mở nhà máy ở nông thôn cũng lớn hơn, bởi doanh nghiệp không những phải đầu tư nhà xưởng mà còn phải cùng địa phương đầu tư hạ tầng: Đường giao thông, điện, nước…
Ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc May Hưng Yên cho biết: Trước đây, May Hưng Yên khốn khổ với "bệnh" thiếu lao động. Cứ nhận đơn hàng là lại đôn đáo tìm, tuyển lao động.
Tuy nhiên, theo ông Dương, một lao động dệt may ở các thành phố chỉ làm việc vài năm là bỏ việc, nhảy việc. Có khi chỉ vừa thành thạo công việc thì lại bỏ việc, khiến các nhà máy lại phải tuyển lao động mới, lại mất công đào tạo lại. Nhưng lao động là người địa phương thường gắn bó lâu dài với DN. Với ngành dệt may, người công nhân càng làm nhiều năm, kỹ năng càng tốt thì năng suất lao động càng tăng lên, hiệu quả công việc của DN cũng tốt hơn.
"Đắt xắt ra miếng”, đầu tư lúc đầu có cao hơn nhưng bù lại bây giờ, May Hưng Yên không rơi vào cảnh việc đi tìm người nữa mà ngược lại, rất nhiều người lao động muốn được làm việc tại các cơ sở sản xuất của nhà máy.
Thu nhập của các "công nhân tại làng" của May Hưng Yên khoảng 3 triệu đồng/tháng, có người được tới 4 triệu đồng/tháng, không kém gì so với các nhà máy ở thành phố và gấp 3 lần thu nhập ở địa phương. Trong khi đó, làm việc ở gần nhà, người lao động nông thôn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí: Tiền nhà, tiền đi lại, chi phí sinh hoạt nên khéo chi tiêu thì sau vài năm sẽ có của để dành.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, để tạo điều kiện cho các nhà máy ở các địa phương phát triển ban đầu, các nhà máy ở nông thôn chỉ đảm nhiệm những đơn hàng dễ, nhưng chỉ qua một thời gian họ sẽ đảm nhận được những đơn hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Điều đó cho thấy, thông qua đào tạo, người lao động nông thôn hoàn toàn có thể trở thành một lớp công nhân mới thạo việc.
Bằng việc đưa hàng chục nhà máy về nông thôn một cách thành công trong suốt 14 năm qua, May Hưng Yên đã chứng minh cách làm của mình là hiệu quả. Ông Dương khẳng định, 5 năm tới, May Hưng Yên sẽ đầu tư thêm 6 nhà máy nữa ở các vùng nông thôn.
Riêng trong năm 2011, sẽ có thêm 2 nhà máy nữa ở các vùng quê của tỉnh Hưng Yên, nhất là những vùng thuần nông, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Giám đốc May Hưng Yên khẳng định: “DN phải đi trước một bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn".
Bà Thanh Thủy, Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên nhận xét: "Đưa nhà máy về nông thôn không những tạo cơ hội cho người nông dân thoát nghèo bền vững mà còn giúp thanh niên địa phương tránh được các tệ nạn xã hội".
Theo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Hưng Yên, thu nhập bình quân của người lao động tại các nhà máy May Hưng Yên thường cao gấp 3 lần người dân địa phương. Như ở huyện Phù Cừ, trước khi May Hưng Yên đưa nhà máy về làng, một nhà máy may của DN Hàn Quốc ở đây chỉ trả cho người lao động hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, khi May Hưng Yên đưa nhà máy về địa phương và trả lương cho người lao động bình quân hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng thì các nhà máy, kể cả của người nước ngoài, cũng phải tăng lương lên để giữ chân người lao động. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người lao động địa phương cũng được nâng lên đáng kể.
Nhờ đưa được nhà máy về làng, bộ mặt nông thôn ở Hưng Yên đã thay đổi rõ rệt. Nhiều trong số những ngôi nhà khang trang ở các vùng quê là của những người công nhân của các nhà máy đã dành dụm từ đồng lương của mình xây dựng lên.
Thu Hường - Hữu Vinh
Bài 5: Nông thôn mới - thành công bước đầu từ các xã điểm