Ông vinh dự là người thứ hai của Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tôn vinh là “Anh hùng bảo tồn”.
Ông Lê Văn Hiên sinh năm 1961 tại thôn Lạc Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Sinh ra trong thời kỳ đất nước chiến tranh trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ của ông Hiên gắn với những ngày phải chạy ăn từng bữa, theo cha mẹ lên rừng hái măng, chặt cây đốt than để trang trải cuộc sống qua ngày.
Theo lời kể của ông Hiên, ngày ấy, lũ trẻ sinh ra ở bìa rừng Kim Bảng như ông, chỉ học hết Tiểu học đã bỏ đi rừng để mưu sinh. Ngay cạnh nhà ông có một tay thợ săn lão luyện, cuộc sống rất sung túc, bữa ăn nào cũng có thịt chứ không như nhà ông chỉ có rau mà bữa đói bữa no. Vậy là, cậu bé Hiên khi ấy mới 12 - 13 tuổi đã xin đi theo vác đồ, học nghề săn với hy vọng giúp cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả hơn.
Năm 17 tuổi, ông tích góp được số tiền để mua cây súng đầu tiên, chính thức trở thành thợ săn. Chàng thanh niên với đôi mắt tinh nhanh dần trở thành “ác mộng” của muông thú rừng Kim Bảng lúc bấy giờ. Năm 1980 nhập ngũ tại Lữ đoàn 279, Bộ tư lệnh Công binh; đến năm 1983, ông xuất ngũ và trở về rừng Kim Bảng tiếp tục mưu sinh bằng nghề thợ săn.
Ông Lê Văn Hiên cho biết, ngày ấy, sau mỗi đêm đi săn về, thú bày la liệt trong nhà. Một con sơn dương bằng mấy tạ thóc, một con khỉ hay Voọc bán nấu cao bằng vài tấn thóc, lái buôn đến tận nơi thu mua. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả hơn. Ông từng nghĩ sẽ gắn bó suốt đời với nghề thợ săn. Nhưng sau những chuyến tham gia cùng các đoàn chuyên gia về khảo sát, nghiên cứu tại rừng Kim Bảng, ông Hiên đã hiểu và nhận thức được vốn quý của tài nguyên rừng cần được bảo vệ. Ông quyết định bỏ nghề thợ săn.
Không chỉ có kiến thức tốt về các loại động vật tại rừng Kim Bảng, ông Hiên còn là người rất hiểu biết về các loài thực vật tại đây. Ngoài những đoàn nghiên cứu về linh trưởng, các đoàn thực vật cũng thường xuyên nhờ ông Hiên dẫn đường mỗi khi họ tiến hành nghiên cứu tại rừng. Những thông tin và hình ảnh do ông Hiên thu thập được là những tư liệu quý để các nhà khoa học nghiên cứu và thu thập dữ liệu về đa dạng sinh học tại khu rừng này.
Đầu năm 2016, ông Lê Văn Hiên tiếp tục dẫn các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế lên rừng Kim Bảng để khảo sát về loài Voọc mông trắng. Những thông tin quan trọng do ông cung cấp đã giúp các nhà khoa học và chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế phát hiện ra quần thể Voọc mông trắng lớn thứ hai thế giới tại rừng Kim Bảng.
Sau đó, Tổ chức này đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam thực hiện dự án bảo tồn Voọc mông trắng. Ông Lê Văn Hiên tình nguyện tham gia Tổ bảo tồn cộng đồng và được cử làm Tổ trưởng.
Ngoài công việc bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy, định kỳ mỗi tháng, ông và đồng đội theo dõi vị trí, môi trường sống của Voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý.
Qua gần 4 năm thành lập và duy trì, đến nay Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng do ông Hiên làm Tổ trưởng đã có những đóp góp tích cực trong việc bảo tồn đa dạng rừng, đặc biệt là loài Voọc Mông trắng. Nhờ đó, quần thể Voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng ngày càng phát triển, hiện có khoảng 100 cá thể, lớn thứ hai trên thế giới, sau Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.
Ông Lê Văn Hiên chia sẻ, động lực thôi thúc ông tích cực tham gia các hoạt động trong công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài Voọc mông trắng nói riêng tại rừng Kim Bảng xuất phát từ day dứt về những việc làm tổn hại đến rừng của mình trong thời gian làm thợ săn và mong muốn “trả món nợ với rừng".
Để xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng bảo tồn” mà Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế trao tặng, ông sẽ cùng các thành viên của Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức mình bảo vệ đa dạng sinh học của rừng Kim Bảng, bảo tồn quần thể Voọc mông trắng - loài động vật quý hiếm nằm trong danh sách 25 loại động vật nguy cấp nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Câu chuyện từ thợ săn “gác súng” trở thành một “Anh hùng bảo tồn” của ông Lê Văn Hiên đã truyền cảm hứng và sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng xã hội về việc bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.