Thông tư ban hành thiếu thực tế
Trong cuộc làm việc mới đây với 5 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tài chính, Y tế, Tài Nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, nhiều Thông tư được ban hành thiếu thực tế, cản trở doanh nghiệp hoạt động.
Ví như Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như “lợn không được ăn cây chuối”, “thỏ không được ăn cà rốt”…
Lý giải về Thông tư này, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại, chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ. Quy định của Thông tư “hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt”. Song, ông Dương cho biết sẽ sửa đổi Thông tư theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn.
Không đồng tình về Thông tư 02, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây là do cách tiếp cận, quy định “chọn cho” tức là người dân chỉ được làm những gì luật cho phép thì sẽ dẫn tới bỏ sót. Cần quy định “chọn bỏ”, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và đề nghị Bộ NN&PTNT sửa theo hướng này.
Cuối năm 2018, câu chuyện anh thợ điện Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) đổi 100 USD tại một cơ sở kinh doanh nữ trang ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị lực lượng chức năng bắt giữ. Sau đó, UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” theo Nghị định 96/2014.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, vụ việc người thợ điện đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng là việc áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, để không lặp lại những bất cập kể trên cần phải sửa đổi Nghị định 96/2014 và vấn đề này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng làm rõ.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng theo hướng phân loại mức vi phạm.
Tại cuộc làm việc với 5 bộ kể trên, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Các Bộ trưởng cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ: Tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tạo đột phá mới về cải cách hành chính
Tại cuộc họp tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Để tạo đột phá mới về cải cách hành chính, nhằm thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, tổ chức bộ máy, quản lý công chức, viên chức.
Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các luật, pháp lệnh, không để phát sinh nợ đọng mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; khắc phục, chấm dứt tình trạng giấy phép mẹ, giấy phép con.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, công bố nhóm thủ tục hành chính liên thông thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao. Đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Khẩn trương hoàn thiện việc rà soát, đề xuất cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, trong đó sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; hoàn thiện khung khổ pháp luật cho xây dựng Chính phủ điện tử, nền tảng công nghệ và các cơ sở dữ liệu quốc gia...; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sự quyết liệt, nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai công tác cải cách hành chính.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ mới cho nhiệm kỳ tiếp theo, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để đề xuất cơ cấu tổ chức Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tháng 5/2019, phát động phong trào thi đua về cải cách hành chính sâu rộng trên phạm vi cả nước, trong các cấp, các ngành, trọng tâm vào các vấn đề như: Giải pháp về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; văn hóa công sở...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính, bởi hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về vấn đề này ở các địa phương. “Chúng ta có 15 cảng biển và 35 cảng sông, tư nhân muốn vào đầu tư, nhưng rất vướng thủ tục. Nhiều tỉnh năng động, nhưng lại vướng về cơ chế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.