Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan chia sẻ thách thức, kinh nghiệm thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, Hội thảo đóng góp cách tiếp cận về mặt tư duy, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”; bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công, thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Sự kiện cũng nhằm khuyến khích, tăng cường nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp tích cực hoạt động sản xuất, nghiên cứu ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ, dịch vụ…theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước cũng như tranh thủ cơ hội quảng bá hình ảnh, thế mạnh, môi trường và tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Việt Nam với mục tiêu “Việt Nam cùng chung tay với thế giới phát triển xanh, sạch và bền vững cho tương lai”.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, theo Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội khóa XV chính thức thông qua, trong số những nội dung được sửa đổi, nhóm chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước đã được chú trọng, đổi mới toàn diện nhằm đáp ứng các yêu cầu và thách thức trong thời đại mới. Đây là những nội dung góp phần giải quyết các nhóm vấn đề liên quan đến bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước, hướng tới các mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững.
Thông qua Hội thảo, ông Nguyễn Minh Khuyến mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề về khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ và phục hồi tài nguyên nước tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để cùng nhau tìm ra lời giải đáp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững đất nước trong thời đại mới.
Đánh giá thực tiễn và kế hoạch bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước ở các lưu vực sông ở Việt Nam, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc cho biết, tác động của phát triển kinh tế và đô thị hóa đến nguồn nước nói chung và các dòng sông là rất lớn. Chu trình nước đô thị phổ biến ở Việt Nam hiện nay là nước mưa di chuyển qua các bề mặt cứng, chảy vào hệ thống cống thoát và sông đô thị. Nước dưới đất được khai thác sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất; nước thải chảy chung với nước mưa, một phần đến các nơi xử lý còn phần lớn chảy ra các dòng sông.
Để phục hồi sông đô thị, ông Nguyễn Chí Nghĩa đề xuất, các Bộ, ngành liên quan cần xây dựng được kịch bản phục hồi sông đảm bảo sự tham gia của các đối tượng tác động. Việc phục hồi phải được tiến hành từ việc thay đổi hành vi xả thải, phục hồi công trình nước đô thị; sử dụng nước tuần hoàn; giảm nước thải; phục hồi hệ sinh thái đất, nước và duy trì dòng chảy sông…
Tại Hội thảo, đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên nước trình bày một số bài tham luận liên quan đến: Sụt lún nền đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long-những kết quả ban đầu từ hệ thống giám sát động lực tích hợp; giải pháp khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước; kinh nghiệm Phần Lan trong phục hồi, bảo vệ tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu…Nhiều đại biểu đề xuất một số giải pháp về bản sao số trong quản trị tài nguyên nước, phục hồi bảo vệ tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu...