TP Hồ Chí Minh hiện là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn của khu vực phía Nam, hiện có 11 lò giết mổ với số lượng giết mổ bình quân từ 6.500 - 7.000 con lợn/ngày.
Nguồn lợn nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8,01%)… Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận khoảng 2.300 - 2.500 con lợn đã giết mổ từ các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai cung cấp cho thị trường.
Về chăn nuôi, thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con; trong đó có 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp và lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và các tỉnh Đồng bằng sônng Cửu Long (Hậu Giang, Vĩnh Long..) chính vì thế TP Hồ Chí Minh rơi vào thế gọng kìm, bị bao vây ở nhiều hướng, nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh là cực kỳ cao.
Trước tình thế đó, TP Hồ Chí Minh đã bổ sung các giải pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến thực tế. Cụ thể, ngoài việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch như khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành bổ sung thêm các chốt kiểm soát, hoạt động 24/24h trên các tuyến đường trọng yếu, cửa ngõ ra vào thành phố, đặc biệt là các tuyến đường kết nối giao thông giữa Đồng Nai – TP Hồ Chí Minh và Bình Dương – TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, tất cả lợn, sản phẩm thịt lợn vận chuyển từ hướng Đồng Nai vào Tp. Hồ Chí Minh đều trình kiểm tại quốc lộ 1A và 1K và thực hiện quy trình kiểm soát tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp, còn hướng tiếp giáp với tỉnh Bình Dương có chốt kiểm soát của lực lượng liên ngành tại cầu Phú Long quận 12, đặc biệt tại huyện Củ Chi - nơi có nhiều tuyến đường nối liền với Bình Dương cũng là nơi tập trung đàn lợn của thành phố hiện có 4 chốt kiểm soát tại cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Tân Thái và trên quốc lộ 22 (khu vực tiếp giáp với Tây Ninh) nhằm tạo ra cánh cung kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, các quận, huyện cũng tổ chức túc trực, chốt chặn trên tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tăng cường tần suất kiểm soát, lấy mẫu đối với thịt lợn để loại trừ khả năng khi lợn sống bị kiểm soát nghiêm ngặt thì các thương lái cho giết lợn ở địa phương khác rồi đưa vào thành phố tiêu thụ, làm cho việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn.
Song song với việc kiểm soát trên các tuyến đường bộ, công an TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo cho lực lượng cảnh sát đường thủy, đặc biệt là khu vực trạm Cây Khô (sông Cần Giuộc, đoạn giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và Long An) giám sát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn bằng đường sông từ bên ngoài vào thành phố. Các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận huyện cũng tăng cường kiểm tra đầu vào tại các chợ truyền thống, chợ tự phát.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ rất sớm, khi dịch mới xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên do diễn biến phức tạp, dịch bệnh lây lan nhanh đến các tỉnh lân cận cung cấp trực tiếp nguồn lợn, thịt lợn cho thành phố nên áp lực phòng chống dịch lên các lực lượng làm nhiệm vụ như thú y, quản lý thị trường, công an giao thông của thành phố ngày càng lớn.
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã hoạt động 24/24, hầu hết cán bộ thú y của thành phố đều được huy động tham gia phòng chống dịch, hạn chế hoặc không nghỉ phép trong thời gian này.
Việc dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh ở khu vực phía Nam khiến phòng chống dịch xâm nhiễm vào Tp. Hồ Chí Minh kéo dài và vất vả hơn. Với quyết tâm bảo vệ ngành chăn nuôi thành phố ở mức thiệt hại thấp nhất có thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND thành phố và được hỗ trợ thêm 50 nhân sự thuộc lực lượng Thanh niên xung phong tham gia vào phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh đang gấp rút tập huấn cho lực lượng này đề bổ sung lực lượng tại các chốt kiểm soát liên ngành. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì UBND thành phố sẽ tiếp tục tăng cường thêm lực lượng thanh niên xung phong nhằm đảm bảo nhân lực để ứng phó với các tình huống cấp bách.
Ghi nhận của phóng viên tại chốt kiểm soát khu vực cầu Phú Cường, huyện Củ Chi vào tối 23/5 có sự tham gia của 4 lực lượng gồm cán bộ thú y, cán bộ quản lý thị trường, cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong, hoạt động. Số liệu từ sổ theo dõi kiểm soát, mỗi ngày có khoảng 30 - 40 lượt xe chở gia súc, gia cầm từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương lưu thông qua khu vực này để vào thành phố.
Với mỗi lượt xe, đoàn kiểm soát liên ngành đều thực hiện các bước kiểm tra chứng từ xuất xứ, giấy kiểm dịch động vật, soi đèn kiểm tra biểu hiện bên ngoài, kiểm tra niêm phong thùng xe để đảm bảo sau khi được cấp giấy kiểm dịch thú y nơi xuất chuồng, lái xe không cho thêm hoặc trà trộn lợn bên ngoài, cuối cùng là phun thuốc khử trùng toàn bộ xe trước khi cho lưu thông vào thành phố.
Anh Nguyễn Văn Tự, tài xế xe chở lợn làm thủ tục trình kiểm tại chốt kiểm soát cầu Phú Cường cho biết, mỗi ngày anh vận chuyển 2 xe lợn sống, mỗi xe từ 60 - 80 con từ huyện Hớn Quản (Bình Phước) về lò mổ ở TP Hồ Chí Minh.
Từ khi có dịch tả lợn châu Phi, các tài xế được khuyến cáo chỉ chở lợn có nguồn gốc xuất xứ từ các khu vực chưa có dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y địa phương cấp. Trên đường vận chuyển từ Bình Phước về TP Hồ Chí Minh, xe chở lợn phải làm thủ tục kiểm soát, khử trùng ở ba trạm kiểm soát để đảm bảo không làm lây lan dịch bệnh.
Nhận định các lò giết mổ trái phép là nơi có nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch tả lợn châu Phi nhất, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo các quận/huyện, đặc biệt là các quận 12, Gò Vấp chỉ đạo cơ quan thú y phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ trái phép trên địa bàn.
"Nếu quận, huyện nào để xảy ra tình trạng giết mổ lậu làm lây lan dịch tả lợn châu Phi thì chủ tịch UBND quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.", ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tại chỗ và chủ động làm việc với các địa phương lân cận về kiểm soát nguồn lợn cung ứng cho thành phố cũng như tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch cho cộng đồng, đến thời điểm hiện tại TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi, các mẫu thịt vận chuyển về thành phố cũng đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.