Nếu không có những giải pháp triệt để thì thiệt hại sẽ rất khó lường đối với ngành chăn nuôi. Trong khi đó, tại nhiều địa phương đã xuất hiện các bất cập trong phòng, chống dịch.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến để làm rõ vấn đề này.
Xin thứ trưởng cho biết cụ thể diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như việc triển khai phòng, chống dịch tại thời điểm này như thế nào?
Tính đến ngày 22/5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là hơn 1,6 triệu con, chiếm gần 6% tổng đàn lợn của cả nước.
Từ tháng 8/2018 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn... đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các địa phương...
Ở giai đoạn đầu, khi bệnh dịch xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được. Tuy nhiên, khi bệnh dịch lây lan rộng và có diễn biến phức tạp thì đã có nhiều bất cập xuất hiện tại nhiều địa phương trong quá trình triển khai.
Cụ thể, các địa phương đã tổ chức chôn lợn bệnh không đúng quy định, để xác lợn trong chuồng quá lâu, thậm chí để bốc mùi rồi mới tổ chức chôn lấp. Trong quá trình vận chuyển lợn bệnh đi tiêu huỷ, do không đảm bảo nên đã để máu, phân... rơi vãi ra đường, đây chính là nguồn lây lan dịch bệnh. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra sông như tại Bắc Giang.
Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra tại Bắc Giang, đây là khu vực giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên; đồng thời yêu cầu 2 địa phương trên tìm rõ nguyên nhân và phải ngồi lại với nhau để đưa ra giải pháp chấm dứt ngay tình trạng trên.
Là người trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Thứ nhất là do tiền đền bù hỗ trợ tiêu huỷ lợn bệnh chưa đến được với người dân kịp thời. Do đó, có tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh. Bên cạnh đó, lực lượng thú y cơ sở quá mỏng do bị sáp nhập trong thời gian qua, việc này làm cho nguồn lực bị hạn chế khi chống dịch.
Một nguyên nhân nữa là kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chống dịch quá ít (như phán ánh tại Hà Nội chỉ hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày); trong khi đó, một ngày công tại thị trường lao động là 250.000 - 300.000 đồng. Cộng với việc lực lượng này phải đi chống dịch một thời gian quá dài, dẫn đến quá tải, đây cũng là một khó khăn.
Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong khi đây là một loại bệnh cực kỳ nguy hại. Cuối cùng là ý thức của người dân vẫn còn hạn chế, chưa hiểu rõ sự nguy hại của bệnh dịch này...
Gần đây, qua phản ánh của người dân về tình trạng gian lận trong quá trình tiêu huỷ lợn bệnh để trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xử lý việc này như thế nào?
Ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng gian lận trong tiêu huỷ lợn bệnh để trục lợi tại Hải Dương, ngay lập tức tôi đã ký văn bản yêu cầu tỉnh Hải Dương kiểm tra nội dung trên. Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp trục lợi từ việc tiêu huỷ lợn bệnh (nếu có).
Để chấn chỉnh hiện tượng trên, cũng như thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh, ngày 23/5 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ban hành văn bản đề nghị 63 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời hoặc gian lận khai báo lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ nhằm trục lợi...
Với số lượng lợn bệnh tiêu huỷ khả năng còn tiếp tục gia tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nguồn cung thịt cho thị trường sắp tới, thưa ông?
Hiện nay, thịt lợn chiếm khoảng 70% trên tổng số các loại thực phẩm cung cấp trên thị trường. Nếu số lượng lợn bị tiêu huỷ tiếp tục tăng, trong khi chưa thể chưa tái đàn ngay được thì chắc chắn nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong thời gian tới.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần phải sắp xếp lại các cơ sở giết mổ, kể cả nằm trong vùng có dịch. Đối với các cơ sở giết mổ đủ điều kiện thì vẫn tiếp tục cho hoạt động nhưng phải đảm bảo được rằng, lợn đưa vào giết mổ phải âm tính đối với vi rút dịch tả lợn châu Phi; đồng thời phải vận chuyển bằng xe chuyên dùng... trước khi bán sản phẩm thịt lợn ra thị trường cũng phải tổ chức xét nghiệm lại một lần nữa cho chắc chắn là âm tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi, bởi trước đây theo quy định là sản phẩm thịt lợn chỉ được phép bán trong vùng có dịch. Nay đối với các cơ sở giết mổ có đủ điều kiện, đảm bảo an toàn dịch bệnh thì có thể bán sản phẩm thịt lợn ra ngoài vùng dịch.
Một giải pháp khác nữa là hỗ trợ cho các doanh nghiệp có kho lạnh tổ chức thu mua và giết mổ rồi trữ đông nhằm bình ổn giá sau này.
Theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi?
Có thể nói vi rút dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, nó có kích thước lớn tấn công ngay vào đại thực bào làm không thể sinh ra ngay kháng thể được. Chính vì vậy, bệnh này đã có từ cách đây 100 năm nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin điều trị, mặc dù rất nhiều nước trên thế giới đã đầu tư nghiên cứu nhưng vẫn chưa có kết quả. Bên cạnh đó, con đường lây lan rất phức tạp, qua đường vận chuyển, dụng cụ, trang thiết bị, vật chủ trung gian...
Do đó, biện pháp được coi là hữu hiệu nhất lúc này chính là an toàn sinh học. Thực tế, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang áp dụng rất nghiêm ngặt biện pháp này nên dịch bệnh không xảy ra.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triệu tập một cuộc họp với các cơ sở đang có đàn lợn giống cụ, kỵ để nâng cấp hệ thống an toàn sinh học; đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống này để phục vụ cho việc tái đàn sau khi dịch bệnh được khống chế.
Vậy ông có khuyến cáo gì đối với các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi?
Đến thời điểm này, đối với người dân, doanh nghiệp, địa phương... thì đều phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi một cách hiệu quả. Các địa phương phải quan tâm, sát sao hơn nữa, rà soát lại toàn bộ tình hình dịch bệnh để có phương án hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân hiểu được mức nguy hiểm của bệnh dịch này, tránh tình trạng vứt xác lợn ra môi trường, không bán tháo lợn bệnh...
Xin cảm ơn ông!