Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân với các nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Đây là định hướng được lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện, tổ chức ngày 26/11.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức: kẹt xe, chống ngập và môi trường. Việc quản lý chất thải rắn đô thị trong những năm qua không còn đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng y tế...
Về phương pháp xử lý chất thải rắn ở nước ta nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay chủ yếu là chôn lấp, bộc lộ nhiều hạn chế, lãng phí tài nguyên đất, “tài nguyên” rác, ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, đất và không khí...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khoảng 8.700 tấn chủ yếu phát sinh từ các nguồn như khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất... Hiện số rác thải được thu gom, vận chuyển về các khu liên hiệp xử lý chất thải của thành phố gồm khu xử lý rác Đa Phước, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Vietstar, Công ty Tâm Sinh Nghĩa...
Dự báo năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt là 10.082 tấn/ngày, chất thải nguy hại 549 tấn/ngày; chất thải y tế 30 tấn/ngày, đến năm 2025, chất thải rắn sẽ là 12.864 tấn/ngày; chất thải nguy hại 807 tấn/ngày; chất thải rắn y tế 50,5 tấn/ ngày...
Ngoài ra, tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Bộ Xây dựng là 1,3kg/người/ngày, tuy nhiên tốc độ phát sinh chất thải rắn trên địa bàn Thành phố hiện nay là 1kg/người/ngày; dự báo đến năm 2025 là 1,3kg/người/ngày.
Từ thực tế trên, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP Hồ Chí Minh mong muốn có những nhà máy xử lý rác thải thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, thiết kết đẹp như những công trình văn hóa nghệ thuật.
Để triển khai, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu công khai để đảm bảo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia một cách công khai, minh bạch và những chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài và cùng đạt được những kết quả tốt nhất. Thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp có đầu tư vào lĩnh vực này.
Các đại biểu xem triển lãm bên lề hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Giới thiệu công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt điện được áp dụng trên thế giới hiện nay, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ và Môi trường – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết: Hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính…
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, đốt rác phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam, cũng như TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ chất thải rắn phát điện quá cao, nên để công nghệ đốt chất thải phát điện được triển khai thực tế, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ bao gồm phí xử lý chất thải rắn, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, các chính sách ưu đãi về phí, thuế… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện.
Chia sẻ về vấn đề thu hút đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, sau khi đấu thầu, nhà đầu tư nếu tự tin thì nên chạy thử, sau khi đảm bảo các thông số kỹ thuật, công suất theo công bố lúc đó mới ký hợp đồng dài hạn. Tránh trình trạng ký được cái hợp đồng xử lý rác lâu dài rồi thì cứ ôm để đó, không đổi mới công nghệ. Mặt khác, trong tiêu chí cần phải làm rõ hiệu suất xử lý từ rác thành điện.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thành phố đang thay đổi công nghệ xử lý rác, thay đổi chuyển từ chôn lấp là chính, đến năm 2020 áp dụng các công nghệ biến rác thành năng lượng.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, từ thực tế hoạt động của mình, các nhà khoa học chỉ ra rằng có đủ khả năng về công nghệ để xử lý rác. Đồng thời, qua đó chứng minh có những lĩnh vực không cần Nhà nước đầu tư, mà có thể áp dụng phương thức xã hội hoá đầu tư, nhà nước chỉ trả bằng phí dịch vụ. Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua đó, chọn nhà đầu tư phù hợp nhất.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu các dự án xử lý rác cần đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, giá mua bán điện tại TP Hồ Chí Minh. Về chính sách đất đai, nếu dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung thuộc địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh mà đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định thì được chọn 1 trong 2 chế độ: hoặc miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp.
Thành phố sẽ sử dụng quỹ đất trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi để bố trí phù hợp cho nhà đầu tư xây dựng dự án; ngoài ra thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án của nhà đầu tư. TP Hồ Chí Minh cũng có các chính sách về hỗ trợ giá mua, bán điện; về nguồn vốn, về thuế.