Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển, xử lý lượng chất thải rắn xây dựng chưa hiệu quả, thiếu những quy định cụ thể với các chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do chất thải này gây ra đối với môi trường.
Từ thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, việc vận chuyển rác thải xây dựng trên đường phố Hà Nội nhưng không được che chắn cẩn thận đã khiến đường phố bụi mù, ô nhiễm.
Điều đáng nói là lượng chất thải xây dựng này không biết đổ ở đâu, xử lý thế nào, trong khi các điểm trung chuyển chất thải rắn xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải nên tình trạng đổ trộm, đổ bừa diễn ra thường xuyên tại hầu hết các địa phương. Về phía người dân xây dựng nhà ở, đây là nguồn phát thải chính đang rất khó kiểm soát.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các quy định, chế tài xử phạt hiện nay còn chung chung, nhiều kẽ hở, dẫn đến tình trạng lộn xộn, chưa quy trách nhiệm cho ai trong vấn đề thải rác xây dựng. Thậm chí, nhiều trường hợp đổ trộm gần đây mặc dù đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, nhưng không thể kiểm soát hết được và cũng chỉ xử lý các đơn vị vận chuyển với những mức phạt chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ.
Hà Nội xử lý nguồn chất thải rắn xây dựng vẫn chủ yếu là chôn lấp nên đã bộc lộ nhiều bất cập như tốn diện tích, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Mặc dù đã quy hoạch khoảng 10 khu chôn lấp chất thải rắn xây dựng nhưng các chuyên gia cho rằng, với nhịp độ phát triển của đô thị Thủ đô ngày càng mạnh như hiện nay thì chắc chắn các bãi này sẽ không còn chỗ chứa.
Cũng từ những tồn tại, bất cập trên, để xử lý hiệu quả nguồn chất thải rắn xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng về việc quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng; đồng thời yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã thực hiện.
Đối với 5 địa điểm đã tiến hành khảo sát và được đánh giá là phù hợp để thực hiện trung chuyển, đặt tạm thời máy móc, thiết bị xử lý phế thải xây dựng, UBND thành phố tạm giao UBND các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh phối hợp với các đơn vị được giao sử dụng đất kiểm tra, xác định diện tích đất và thời gian có thể sử dụng để làm khu trung chuyển, tái chế, xử lý tạm thời.
Các bao tải chứa chất thải màu trắng dạng mùn giống như cát, vôi bột được chất 2 bên đường đi. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Đồng thời, phối hợp với đơn vị cung cấp công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải xây dựng lên phương án báo cáo thành phố xem xét, quyết định trong tháng 6/2017.
Các ban quản lý dự án trên địa bàn thành phố, hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê khối lượng phế thải xây dựng có khả năng xử lý tái chế, gửi kết quả về Sở Xây dựng trước 20/6/2017 để tổng hợp, đánh giá, báo cáo thành phố.