Nghiên cứu trợ giúp xã hội hướng đến phòng chống rủi ro thiên tai và đáp ứng các cú sốc ở Việt Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quản lý nằm trong các hoạt động về tăng trưởng bao trùm và an sinh xã hội. Đây cũng là một phần dự án do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) chủ trì, được thực hiện tại 4 quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện từ ngày 31/3 đến 15/4/2018 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ba tỉnh: Lào Cai, Nghệ An, Cà Mau. Đối tượng nghiên cứu là các cán bộ liên quan đến công tác phòng chống rủi ro thiên tai, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo các cấp và người dân.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo số liệu ước tính có khoảng 71% dân số và 59% diện tích dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hàng năm tại Việt Nam, thiên tai gây thiệt hại khoảng 1-1,5% GDP, gây cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ phận dân cư nghèo và dễ bị tổn thương là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, do thu nhập phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, nhà cửa; ít có khả năng tiếp cận với các khoản tiết kiệm, tín dụng... Trợ giúp xã hội toàn diện, hiệu quả là một công cụ mạnh mẽ để tăng cường khả năng chống chịu đối với những cú sốc; giúp các hộ dễ bị tổn thương xây dựng, đa dạng hóa sinh kế, nhân lực và tài sản, giải quyết các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn trong hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội hướng đến phòng chống rủi ro, đáp ứng cú sốc tại Việt Nam. Theo đó, cán bộ cơ sở thực hiện trợ giúp xã hội khẩn cấp đồng thời thực hiện trợ giúp thường xuyên. Hệ thống chính sách này đã được quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và tiến trình cải cách chung đang được tiến hành. Một số yếu tố của việc cung cấp dịch vụ tích hợp, đáp ứng cú sốc đã được quy định trong chính sách của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2016-2020 đã nêu rõ sự cần thiết phải cải tiến, phối hợp tốt hơn các quy định chính sách, hành động liên quan đến biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sử dụng đất... Tuy nhiên, trong thực tế, độ bao phủ của Nghị định 136 còn hạn chế.
Nguồn lực phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước; mức hỗ trợ thấp, không bảo đảm đáp ứng với hậu quả của thiên tai. Chính sách, kế hoạch, đầu tư quản lý rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu phần nào bị phân tán. Thông tin cảnh báo sớm không phải lúc nào cũng có sẵn một cách kịp thời. Trợ giúp xã hội khẩn cấp được đánh giá là không còn kịp thời, phù hợp, đầy đủ; các thủ tục hành chính phức tạp, không được tiêu chuẩn hóa, giảm thời gian hỗ trợ...
Nghiên cứu khuyến nghị cần hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về trợ giúp xã hội thường xuyên; đổi mới cách tiếp cận từ trọng tâm ứng phó sang phòng ngừa; hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội khẩn cấp; phát triển các chiến lược tài chính...
Thể hiện sự đồng tình với các khuyến nghị, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng thời gian tới, thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy cần tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác thông tin tuyên truyền, đầu tư thích đáng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác này trong các cơ quan phòng chống thiên tai các cấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch tăng cường sự phối hợp tại các cấp, ngành, sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức trong nước, quốc tế huy động nguồn lực, kỹ thuật, tài chính để thực hiện...