Theo báo cáo nhanh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau 1 ngày ra quân hưởng ứng Tháng Vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với chủ đề “Chính sách bảo hiểm xã hội - điểm tựa an sinh của người lao động và nhân dân”, được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện trên phạm vi toàn quốc, viên chức cơ quan bảo hiểm xã hội, nhân viên Bưu điện đã trực tiếp vận động được 24.704 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, có 17 tỉnh phát triển được trên 500 người tham gia. Song song đó, nhiều địa phương cũng đã phát triển được hàng nghìn người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta về thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. Nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tìm kiếm các giải pháp, đổi mới phương thức quản lý; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới nội dung, hình thức truyền thông… để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Ngày 23/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng Vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, tập trung vào các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người dân hiểu một cách sâu sắc về bản chất tốt đẹp của chính sách này trong việc ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân của Đảng và Nhà nước ta.
Lễ ra quân được xây dựng và tổ chức theo hai hình thức: Lễ ra quân trực tuyến tại điểm cầu Trung ương, thực hiện tiếp sóng tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, đảm bảo giãn cách xã hội; đồng thời tuyên truyền lưu động với 708 đoàn diễu hành, kết hợp tư vấn trực tiếp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các địa bàn tập trung dân cư, các chợ trung tâm, đầu mối trên phạm vi toàn quốc. Việc tuyên truyền lưu động được thực hiện bằng phương tiện ô tô, xe máy, có gắn các thông điệp truyền thông bảo hiểm xã hội, đảm bảo quy định phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo đó, trong quá trình tuyên truyền lưu động, viên chức cơ quan Bảo hiểm xã hội, nhân viên Bưu điện các địa phương đã tỏa đi khắp nơi như: chợ trung tâm, khu dân cư và đến trực tiếp các hộ gia đình… để tuyên truyền, tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân, vận động phát triển người tham gia…
Nhờ kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, với các câu thông điệp truyền thông ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, thân thiện, truyền tải được giá trị nhân văn của chính sách, lễ ra quân đã giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về lợi ích và tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, tạo thêm niềm tin, sự yên tâm khi tham gia, góp phần phát triển được số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ấn tượng với 24.704 người, chỉ trong một ngày ra quân. Con số này cao hơn số đối tượng phát triển mới của cả năm 2017 và bằng 46,7% số được phát triển mới của năm 2018.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp vừa qua, chính sách bảo hiểm xã hội càng cho thấy lợi ích, giá trị nhân văn khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo đó, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, trụ cột trong đảm bảo an sinh cho nhân dân của Đảng, Nhà nước.
80 tuổi, ông Trần Quang ở phường 4, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn đi bộ hơn 2 km đến UBND phường để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cầm trên tay 3 cuốn sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông cho biết, không chỉ tham gia cho đôi vợ chồng già, ông còn đăng ký tham gia cho người con trai đã lớn tuổi chưa lập gia đình với mong muốn khi ông mất đi, người con trai có nguồn chi phí để trang trải cuộc sống.
Được viên chức bảo hiểm xã hội tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa của tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với việc đảm bảo an sinh lúc về già, anh Mai Quốc Tuấn (xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã quyết định tham gia và đóng ngay số tiền gần 3,1 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 15,774 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó: số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 15,2 triệu người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 574 ngàn người, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.