Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Vụ kiện da cam - Hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam” nhằm truyền thông, cổ vũ, kêu gọi sự đồng hành của nhiều người cùng bà Trần Tố Nga trong cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin đi đến một kết thúc tốt đẹp.
Sau vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) từ năm 2004 không đạt được kết quả như mong muốn về mặt pháp lý, năm 2014, bà Trần Tố Nga tiếp tục kiện các công ty hóa chất Mỹ tại Tòa án Evry (Pháp). Ngày 25/1/2021, Tòa Evry đã mở phiên xét xử vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt với các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe và để lại di chứng qua nhiều thế hệ của hàng triệu nạn nhân Việt Nam. Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 10/5/2021.
Từ Pháp, bà Trần Tố Nga chia sẻ trực tuyến với các đại biểu tại tọa đàm: “Tôi rất xúc động khi theo dõi cuộc tọa đàm, sự ủng hộ này làm cho tôi ấm lòng. Chỉ còn 2 ngày nữa có phán quyết của Tòa án Pháp, bản thân tôi cùng rất nhiều tấm lòng trên thế giới đều đang hồi hộp chờ kết luận của Tòa. Cuộc đấu tranh đã kéo dài 10 năm nay, dù cho phán quyết của Tòa lần này như thế nào thì cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Tôi và bạn bè đã chuẩn bị để đi tiếp trong nhiều năm nữa. Sức mạnh của công lý, chân lý sẽ giành phần thắng”.
Từng là một trong những nguyên đơn trong các vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ từ năm 2004 tại Mỹ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chia sẻ, trong vụ kiện này chúng ta không đi đến thắng lợi, nhưng đã tác động rất lớn tới người dân Hoa Kỳ nói riêng cũng như nhân dân thế giới nói chung. Dư luận quốc tế hiểu rõ các vấn đề liên quan của vụ kiện này và rất ủng hộ chúng ta...
"Hành trình đòi lại công lý này sẽ còn tiếp tục, tôi tin rằng, ngày nào đó phần thắng sẽ thuộc về chúng ta bởi đó là sự thật, là công lý. Khi bà Trần Tố Nga tiến hành kiện các công ty hóa chất Mỹ tại Pháp, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ủng hộ và cho rằng đây là một điều rất tốt. Đây là vụ kiện lịch sử, nếu vụ kiện thắng sẽ là một án lệ, từ đó nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ đứng ra kiện đòi công lý", bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, thực tế, kết quả pháp lý của các vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam/dioxin tại Mỹ từ năm 2004 không được như mong muốn, nhưng cũng đem lại những hiệu quả tích cực khác.
So với vụ kiện ở Mỹ từ năm 2004, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, vụ kiện của bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất Mỹ tại Pháp hiện nay có những mặt thuận lợi. Cụ thể, sau 10 cuộc điều trần tiền tố tụng, ngày 25/1, Tòa sơ thẩm Pháp đã chấp nhận có thẩm quyền, có cơ sở pháp lý để xử đơn kiện này, sắp tới sẽ công bố phán quyết. Mặt khác, tại Pháp vừa qua cũng có vụ kiện khác của một người làm việc ở nông trại với một công ty hóa chất, bị phơi nhiễm do sử dụng chất diệt cỏ. Phán quyết cuối cùng của Tòa là công ty hóa chất đó phải đền bù cho người này. Đây là một án lệ, thuận lợi cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Cùng với đó, dư luận Pháp cũng ủng hộ và bày tỏ hy vọng vụ kiện của bà Trần Tố Nga sẽ thắng lợi.
Đến nay, hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, 100.000 trẻ em Việt Nam bị dị tật. Góc độ khoa học, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền, giảng viên bộ môn Sinh học, Trường Đại học Văn Lang nhận định, chất độc da cam gây hại rất cụ thể, lâu dài đối với con người và môi trường sống của con người. Chất độc da cam là tên gọi của hàng trăm hợp chất độc hại khác nhau. Khi cơ thể bị nhiễm chất này, các thông tin di truyền trong cơ thể bị rối loạn, đứt đoạn, đảo, tráo đoạn. Đó là lý do khiến phụ nữ sinh ra em bé bị dị tật và nhiều bệnh di truyền khác. Các nhà khoa học cũng khẳng định, tác động của chất này không chỉ trực tiếp người phơi nhiễm mà tác động lâu dài, qua nhiều thế hệ, tùy theo nồng độ hóa chất trong cơ thể.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta phải kiên trì, không bao giờ có thể bỏ cuộc bởi đây là lẽ phải và công lý. Mục đích không chỉ là đền bù, quan trọng nhất là phía Hoa Kỳ phải công nhận lẽ phải, công nhận trách nhiệm. Việc này thực tế không ảnh hưởng đến chủ trương thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Là một nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, chị Trần Thị Mỹ Quyên, sáng lập nhóm Công tác xã hội “Tình thương”, chia sẻ, hiểu được hoàn cảnh của mình, ngay từ nhỏ chị đã luôn ý thức phấn đấu vươn lên. Rời vùng quê nghèo ở Quảng Nam, chị Quyên đến Thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi giảng đường đại học với mong muốn thay đổi cuộc sống. Có được việc làm ổn định sau khi ra trường, chị mong muốn góp sức mình cùng các tổ chức khác để hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác, lan tỏa những giá trị tích cực giúp họ vươn lên có cuộc sống tốt hơn.