Nhằm làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã đổ xuống miền Nam Việt Nam một lượng lớn chất độc da cam/dioxin và đã gây ra những hậu quả thảm khốc. Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua nhằm khắc phục hậu quả cũng như trợ giúp, giảm bớt khó khăn cho những người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học này?
Đúng là hậu quả chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 đã gây ra hậu quả rất nặng nề đối với môi trường sinh thái và sức khỏe của con người. Nhận thức vấn đề này, ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội rất toàn tâm trước việc đề ra các chủ trương, chính sách chăm lo cho những người nhiễm chất độc da cam, trong đó có người có công với cách mạng, những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ.
Có thể nói là trải dài suốt thời gian 50 năm qua, hệ thống chính sách đối với những người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc da cam dần dần từng bước được hoàn thiện và đến nay cơ bản đã đầy đủ, bao phủ được các đối tượng. Trong điều kiện khó khăn chung, nhưng cơ quan chức năng đã công nhận được hơn 9.000.000 người có công với cách mạng, trong đó hơn 320.000 người được công nhận là trong kháng chiến nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ được hưởng chính sách; cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 3.000.000 người, trong đó có cả nạn nhân chất độc da cam và nhân dân ở vùng mà quân đội Mỹ phun rải chất độc xuống hồi chiến tranh trước đây.
Hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo ra một hành lang pháp lý, cơ sở pháp lý rất tốt để những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và nhân dân ở vùng bị phun rải chất độc hóa học có cơ sở được hưởng trợ cấp, được hỗ trợ sinh kế, học nghề, được bảo hiểm, được miễn phí về mặt y tế, được giảm bớt tiền tàu xe khi tham gia giao thông và có những ưu tiên đối với con đẻ của họ khi thi vào các trường học, trường trung học, đại học.
Chính sách đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của những người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc da cam và nhân dân trong vùng bị phun rải có được cuộc sống ổn định, ngang với mức sống bình thường của người dân ở khu vực cùng sinh sống. Hằng năm, Nhà nước đã chi tới hơn 30 ngàn tỷ đồng để lo việc chi trả, trong đó có 17 ngàn tỷ để trợ cấp cho những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Đặc biệt gần đây, Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi Pháp lệnh Người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, trong đó quan tâm mở rộng diện đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và nâng mức trợ cấp cho những người được hưởng chính sách, trong đó có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ; còn nhân dân ở các vùng phun rải bị nhiễm được nâng trợ cấp về bảo trợ xã hội.
Có thể nói, những chế độ, chính sách của Nhà nước rất có ý nghĩa đối với những người bị nhiễm chất độc da cam. Hệ thống chính sách của ta về cơ bản đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân.
Nhưng từ thực tế cũng cho thấy, chính sách trợ giúp của Đảng, Nhà nước còn chưa bao quát hết được các trường hợp nạn nhân chất độc da cam. Vì sao lại có việc đó, thưa Trung tướng?
Công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ được hưởng chính sách là một việc làm thể hiện sự quan tâm, là chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, hiện nay số người được thụ hưởng chính sách này chưa nhiều. Trong rất nhiều nguyên nhân có thể kể đến mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây.
Đầu tiên phải nói là do nhận thức của bản thân những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đối với việc kê khai làm thủ tục để hưởng chế độ này cũng còn có nhiều khó khăn. Năm 1998, chúng ta hướng tới việc tổng hợp rồi kê khai các trường hợp nạn nhân. Thế nhưng ở giai đoạn này, nhiều người do nhận thức của bản thân đã không đăng ký, kê khai. Bởi họ nghĩ rằng, nếu mình mà là nạn nhân chất độc da cam thì khi con mình sinh ra và xây dựng gia đình thì hạnh phúc sẽ như thế nào?
Sau đó năm 2000, chúng ta đặt vấn đề là người hoạt động kháng chiến tham gia ở vùng địch phun rải chất độc hóa học kê khai để hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, thì số lượng này đã được nâng lên.
Nhưng sau đó, Pháp lệnh Người có công với những tiêu chí rất chặt chẽ, điều kiện cần và đủ phải rất rõ ràng: Người hoạt động kháng chiến là hoạt động ở vùng quân đội Mỹ phun rải chất độc da cam. Thứ hai là người hoạt động kháng chiến phải có những bệnh quy định trong danh mục 17 loại bệnh tật. Phải hội tụ đủ hai yếu tố này và thông qua hội đồng xét duyệt thì mới được công nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và được hưởng chính sách người có công.
Quá trình này, do nhận thức chưa đầy đủ, hiểu biết về pháp luật, tính pháp lý, cơ sở để làm chế độ cũng chưa rõ ràng, nên đây là một nguyên nhân xuyên suốt, cơ bản nhất cho tới bây giờ vẫn chưa giải quyết triệt để được. Nhiều người nằm ở trong vùng bị phun rải chất độc hóa học và bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng bệnh tật lại không biểu hiện, không đúng quy định, nên đấy là một nguyên nhân.
Có ý kiến rằng, tiến độ công nhận đối tượng chính sách trợ giúp nạn nhân da cam quá chậm, ông thấy vấn đề này thế nào và hướng xử lý ra sao?
Khi chúng ta ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành thì hướng dẫn cụ thể còn chậm, cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ công nhận nạn nhân da cam. Cho nên, nhiều người thuộc diện chính sách nhưng để họ phải trông chờ, đi lại mất thời gian.
Mặt khác, có những quy định có thể nói rằng là nếu đưa vào triển khai thực tiễn là rất khó khăn, bất cập, gây nhiều trở ngại. Ví dụ như trong Danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, có danh mục là: “Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính”. Theo quy định, người bị mắc bệnh này được yêu cầu phải có giấy xác nhận từ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đây là quy định gây rất nhiều khó khăn vì thực tế chúng tôi nhập ngũ vào chiến trường, quân đội quy định tất cả các giấy tờ tùy thân không được mang theo người, phải để giấy tờ ở nhà hoặc nếu đã trót mang lên đơn vị thì phải gửi về nhà hoặc nếu không thì phải hủy đi. Thế thì việc quy định quân nhân, người hoạt động kháng chiến, khi làm chế độ chính sách phải giữ giấy tờ để xác nhận mình có bệnh thần kinh cấp tính hoặc bán cấp tính trước ngày 30/4/1975 là không thể có được.
Nhưng trong văn bản vẫn quy định như vậy. Tôi cho rằng đây là một việc mà chúng ta cũng phải tính tới sửa đổi như thế nào cho phù hợp để triển khai trong thực tiễn.
Vấn đề nữa, tôi cũng nói thẳng, trong quá trình làm chế độ chính sách đã có tiêu cực. Việc tiêu cực là có và những người mắc khuyết điểm đã phải xử lý hình sự. Những người chưa một ngày đi chiến trường được hưởng chế độ nạn nhân da cam thì đã bị thu hồi.
Hiện nay, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có nhận được đơn thư người dân phản ánh tại một tỉnh Đồng bằng sông Hồng về một số trường hợp đang được thụ hưởng chế độ, chính sách hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, nhưng lại không đi bộ đội vào giai đoạn quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các cơ quan, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế của tỉnh đó để giải quyết những vấn đề này. Nếu đúng như thế thì rõ ràng là chúng ta phải xử lý hình sự với những người tiếp tay cho việc này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài cuối: Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tiếp cận quyền lợi của bản thân