Những người "có nhà không được ở”
Một buổi chiều ngày cuối năm, khi Tết đã cận kề, xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn im ắng vì những người trong xóm thường xuyên thay ca nhau đi chạy thận tại các bệnh viện, thi thoảng lại rộn ràng lên chút khi đón đoàn từ thiện đến tặng quà, nhưng cũng chỉ được một lát rồi lại trầm xuống.
Ngoài kia vui vẻ, háo hức Tết bao nhiêu thì nơi đây, chỉ có nỗi tủi thân len lỏi trong ánh mắt những bệnh nhân nghèo. Dù đã quen với cảnh “có nhà không được về” nhưng cứ Tết đến ai lại chẳng chạnh lòng.
Trong gian nhà trọ ẩm thấp, tối tăm, bà Nguyễn Thị Hoài (quê ở Nam Định) đứng tựa cửa nhìn xa xăm. Vừa đi chạy thận ca chiều trong bệnh viện Bạch Mai về, trông bà có vẻ mệt mỏi. Một bệnh nhân đi qua ghé vào gọi bà đi nhận quà Tết của nhà hảo tâm, uể oải khẽ gật đầu, bà “khất” sẽ đến sau. Không hiểu bà đang nghĩ ngợi điều gì nhưng ánh mắt đượm ưu tư ấy đủ thấy bà cũng đang mong Tết lắm, dù chưa chắc Tết này có kịp chớp nhoáng về đón giao thừa cùng các con không.
Muốn tranh thủ được về nhà đúng mồng 1 Tết, bà Hoài phải đổi được ca chạy thận hoặc xin sắp xếp chạy được ca đêm 29 Tết thì sáng 30 bà mới kịp đón chuyến xe khách vét để về quê. Dù có kịp thì bà cũng chỉ ở nhà được hết mồng 1, mồng 2 lại phải đón xe lên để kịp ca chạy thân sáng hôm sau.
“Lâu rồi tôi chẳng còn được vui vầy bên gia đình, con cái cho trọn cái Tết. Nhiều năm lịch lọc máu trùng vào mồng 1, mồng 2 Tết là tôi phải ở lại, xóm vắng, thui thủi một mình trong phòng trọ mà nẫu hết ruột gan. Nhưng có về cũng chỉ ở nhà được hơn một ngày, chưa kịp nghỉ ngơi đã lại phải khăn gói lên đường, vì chậm lịch lọc máu là nhiễm độc nguy hiểm tới tính mạng. Những năm đầu chưa quen, cứ về nhà là tôi chẳng muốn đi, ngày đầu năm mới đi ra khỏi nhà mà tủi thân, nước mắt tôi cứ trào ra” bà Hoài rơm rớm kể.
Nhưng lâu rồi cũng thành quen, một cái Tết đúng nghĩa với bà Hoài giờ chỉ còn trong ký ức khi chưa về nhà đã sắp xếp xong lịch bắt xe lên bệnh viện. Năm ngoái, chồng bà mới mất, Tết này bà Hoài lại thêm buồn và cô đơn.
“Từ khi tôi bị phát hiện suy thận, phải lên Bệnh viện Bạch Mai chạy thận, lịch lọc máu 3 lần/tuần nên tôi phải thuê nhà trọ ở xóm thận này để ở lại chữa bệnh. Hơn 10 năm đi ở trọ chữa bệnh, biết tôi vất vả nên chồng tôi chuyển hẳn lên ở cùng, lo cho tôi từ miếng cơm, ngụm nước mỗi ngày. Cứ mỗi dịp Tết, ông tranh thủ về nhà sắm sửa, lo hương khói cho ông bà tổ tiên, cho con cái về quây quần; nhưng năm nay thì tôi chỉ còn biết trông cậy vào các con”, bà Hoài cúi xuống để giấu đi những giọt nước mắt tủi thân đang rơi.
Bà Hoài cũng giống như nhiều bệnh nhân xóm trọ này, dù đã quá quen cảnh đón Tết xa nhà nhưng khi không khí Tết đã ngập tràn khắp muôn nơi trong lòng họ vẫn là những nỗi mong ngóng, nhớ thương, khát khao quây quần với gia đình dù điều ấy thật xa vời.
Có lịch chạy thận đúng sáng mồng 1 Tết, ông Nguyễn Văn Huệ (60 tuổi, quê ở Bắc Giang) cũng đã ăn Tết xa nhà hơn chục năm nay. Sáng mồng 1 chạy xong có muốn về quê luôn cũng chưa được vì chuyến xe về nhà ông phải mồng 3 mới hoạt động.
"Thế là về đến nhà cũng đã sắp hết Tết. Biết là buồn và rất sốt ruột nhưng vì bệnh tật nên phải chịu đựng. Bệnh nhân chạy thận chúng tôi đủ mọi khó khăn bao vây, nên cứ ổn định mà điều trị được đã là may mắn lắm”, ông Huệ bùi ngùi.
Muôn nỗi khó khăn
Trong những dãy trọ tối tăm ở xóm chạy thận này, các bệnh nhân đến đây thuê mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều chung cảnh phải dốc hết gia sản để chữa bệnh. Căn bệnh suy thận quái ác khiến họ đổ bệnh lúc nào không hay, và khi cuộc sống đã gắn với chiếc bàn lọc máu, họ đã xác định chẳng còn tương lai.
Trong gian nhà trọ chỉ vừa chỗ kê 2 chiếc giường ghép bằng tấm gỗ và góc nhỏ để kê chiếc bàn làm bếp, bà Vi Thị Lành (62 tuổi, quê ở Thái Nguyên) dường như là bệnh nhân đặc biệt ai cũng biết tới ở xóm thận. Bà Lành là một trong 7 bệnh nhân của xóm ngoài căn bệnh suy thận còn bị thành mạch yếu bẩm sinh. Hai cánh tay của bà vì cắm quá nhiều kim truyền nên mạch máu đã vỡ nát hết. Để chữa bệnh này, bà phải phẫu thuật ghép thành mạch từ chân lên cánh tay phải, rồi đến cánh tay trái. Thế nhưng giải pháp đó chỉ giúp bà duy trì được thành mạch trong một thời gian ngắn, cứu 1- 2 năm bà lại phải phẫu thuật lại. Chi phí điều trị liên tục khiến con gái bà phải đi làm từ sớm, dồn hết cho mẹ chữa bệnh.
“Chồng tôi mất sớm, gia đình làm nghề nông, kinh tế chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, con lợn, con bò nên khó khăn không biết kể sao cho xuể. Chí phí thuốc men, viện phí, thuê nhà… tôi phải mất tới 6 triệu đồng/tháng. Thương mẹ, con gái tôi sau khi học xong cấp 3 phải xin đi làm công nhân để có tiền trang trải cho mẹ chữa bệnh. Thấy các con vất vả, lại thương chúng nó còn phải đến tuổi lập gia đình, tôi đành phải lấy sổ đỏ ngôi nhà để vay vốn hội phụ nữ và dùng dần chữa bệnh”, bà Lành xót xa kể.
Có một dạo, bà Lành đã theo chân một số người trong xóm đi bán hàng rong trong khuôn viên bệnh viện để kiếm thêm chút thu nhập. Nhưng chẳng lời lãi chẳng được là bao, bà lại phải kiếm việc làm thêm, đi giúp việc theo giờ. Nhưng giờ tuổi cao sức yếu, căn bệnh này lại không được lao động nặng nhọc nên lại phải nghỉ. Đành gắng gượng điều trị được ngày nào hay ngày đó, đến lúc nào không còn gắng được nữa thì đành buông tay.
Nhắc đến cái Tết đã “đến chân” bà lành khẽ cười: “Với tôi, Tết cũng giống như ngày thường thôi, ngày nào chẳng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, đối mặt với nỗi lo bệnh tật. Năm mới tôi chỉ mong tôi và các con được khỏe mạnh, bệnh của tôi ổn định không bị biến chứng hay phát sinh thêm chi phí chữa bệnh, thế đã là mừng lắm rồi”.
Anh Mai Anh Tuấn, phụ trách xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị cho biết: “Ở xóm chạy thận này có 129 bệnh nhân, tất cả đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Mỗi người một phận đời khác nhau nhưng đều có hoàn cảnh chung là gia cảnh rất nghèo khó, vì đã chạy thận là phải điều trị thường xuyên, liên tục không có quãng nghỉ. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, ở đây tất cả như một gia đình cùng động viên nhau cố gắng để chữa bệnh. Tết này cũng giống như những năm trước, chúng tôi sẽ tổ chức màn đón giao thừa với hoa đào, bánh chưng, bánh kẹo… giản dị nhưng đầm ấm để tất cả cùng vui vẻ, quên đi nỗi cô đơn trong giây phút chào đón năm mới”.
Chia tay xóm chạy thận, chúng tôi ra về trong lòng bộn bề những suy nghĩ, cảm thương cho những phận đời éo le. Năm mới sắp đến chỉ mong những bệnh nhân ở đây bớt được khó khăn, vui vẻ, yêu đời để thêm sức khỏe để “chiến đấu” với bệnh tật.