Phụ huynh có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngày 19/4 vừa qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 13.000 liều vaccine 5 trong 1 (còn gọi là SII phối hợp dự phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngay sau đó, vaccine đã được phân bổ về 22 trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai tiêm chủng cho trẻ em. Như vậy, đến thời điểm này, Thành phố đã có đầy đủ các loại vaccine tiêm cho trẻ em thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Sau COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước bị gián đoạn cung ứng vaccine. Cụ thể, từ tháng 5/2022 ngừng cung ứng vaccine phòng bệnh sởi, bạch hầu, ho gà; từ tháng 10, 11/2022 ngừng cung ứng vaccine phòng bệnh lao, sởi, rubella, bại liệt, viêm não Nhật Bản và vaccine 5 trong 1 (SII). Điều này khiến tỷ lệ tiêm chủng bị ảnh hưởng.
Trước những khó khăn trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bù các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch, chủ động phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm có vaccine, tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vaccine phòng ngừa. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi (cho trẻ sinh năm 2022 và 2021) trên địa bàn Thành phố đều đã đạt ≥95%.
Để bảo vệ trẻ em trước các dịch bệnh đã có vaccine, Sở Y tế Thành phố khuyến cáo phụ huynh có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cần chủ động, tích cực đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể liên hệ các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để tiêm các loại vaccine khác ngoài Chương trình Tiêm chủng mở rộng nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và người thân.