Tôi là cái Tai. Để cho khuôn mặt ông chủ cân đối, tôi tách làm hai. Một cái ở bên phải, một cái ở bên trái. Họ hàng Tai nhà tôi cứ tùy theo mặt chủ nhân mà có hình dáng khác nhau. To, nhỏ, dài, ngắn, vênh lên, cụp xuống… rất đa dạng. Về chức năng thì tất cả anh em họ hàng nhà Tai đều như nhau. Tức là tiếp nhận động từ bên ngoài rồi truyền tín hiệu lên bộ não để xử lý thông tin.
Có một thời tôi chỉ biết nghe thông tin một chiều. Điều gì hay hay, thuận thuận thì nghe. Tôi bỏ ra ngoài những gì chướng tai dẫu cho điều đó có là chân lý đi chăng nữa. Dần dà chín chắn hơn, tôi biết mình phải trở về đúng chức năng. Đã nghe phải nghe hết dẫu lời nói đến tai mình có cay độc chua chát đến đâu.
Từ ngày ông chủ tôi lên chức Sếp, cuộc sống của tôi có nhiều thay đổi. Đầu tiên tôi phải làm quen với những lời nịnh nọt của thuộc hạ, cấp dưới, đại loại như: “Anh thực sự là một tài năng lớn…” “Anh là số một…” “Anh là tài sản quốc gia…” “Chỉ có anh mới giải quyết được việc này, việc kia…” vv và vv… Thú thực tôi cũng hơi bị bỡ ngỡ, hơi bị ngượng ngùng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, hai lỗ tai của tôi đã tiếp nhận những lời nịnh nọt kia như một nhu cầu tất yếu. Thế mới hay ở đời tất cả đều trở thành thói quen.
Tiếp theo tôi phải làm quen để rồi thường xuyên tiếp cận với những cụm từ nẩy sinh như nấm theo sau mưa của thời thị trường này. Tỉ như: “Phi vụ này anh dược chia số X phần trăm hoa hồng… Chữ ký của anh trong hợp đồng này trị giá Y triệu đồng… lại vv và vv…” Tôi hơi bị choáng, thậm chí còn bị sốc mạnh nữa. Trước đây tôi tưởng câu tục ngữ “Ngồi mát ăn bát vàng” chỉ phù phiếm, ai dè lại có thật. Chẳng bao lâu những cụm từ mang đầy sắc thái kinh tế học cũng đã làm tôi thích nghi.
Tôi theo ông chủ lăn lộn trên thương trường. Đánh hết quả này đến phi vụ làm ăn khác. Tôi tự hào vì mình đã làm đúng chức năng của kẻ đầy tớ trung thành. Thế nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ cả. Tôi và ông chủ đã nẩy sinh mâu thuẫn.
Một lần tình cờ tôi bị nghe chửi. Rõ ràng người ta chửi ông chủ tôi những câu chửi rất vô văn hóa (xin phép không nhắc lại ở đây sợ làm bẩn tai các bạn). Có vẻ như bị xúc phạm tôi vội truyền ngay thông tin cho ông chủ. Cứ ngỡ ông chủ bị tổn thương danh dự, sẽ nổi hung lên. Ấy thế nhưng, lạ quá, ông chủ làm thinh, khiến tôi bị tẽn tò.
Lần khác, ở hội nghị góp ý, phê bình lãnh đạo. Trong lúc ông chủ cắm cúi xuống điện thoại nhắn tin cho bồ thì tôi hoàn toàn tỉnh táo để lĩnh trọn những lời chỉ trích gay gắt, những lời phê phán nghiêm khắc của những người trung thực thẳng thắn.
Đáng lý ra ông chủ phải tiếp thu những vấn đề này nghiêm túc, để điều chỉnh mình. Xong, không phải thế, ông chủ tôi bĩu môi, dề mỏ, “xì” một tiếng… làm tôi thất vọng tràn trề.
Dăm bảy lần tương tự như vậy, ông chủ vẫn bàng quan với dư luận. Lúc này tôi mới nhận ra rằng, làm đầy tớ cho những ông sếp giả điếc mới khó khăn, mới tức tối làm sao. Nghe chửi nhiều quá tôi phát ngượng, còn ông chủ chẳng thấy khi nào đỏ mặt. Tệ hại hơn ông chẳng thông cảm, và càng không hề thương sót cho thân phận khốn khổ của tôi khi phải bỏng rát cả hai tai.
Cho đến một ngày…
Trong lúc cả thế giới náo loạn vì con COVID-19 tung hoành… thì công ty tôi náo lọan lên vì sếp bị các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ vì tội tham nhũng. Lập tức sếp bị đưa đi “cách ly” mà không phải 14 ngày như cách li đề phòng COVID, mà cách ly hẳn 4 tháng để các cơ quan thực thi pháp luật điều tra. Khi đôi tay ông chủ run rẩy đưa vào chiếc còng số 8 cũng là lúc từ nay tôi nhận ra rằng những lời tâng bốc, nịnh nọt, ngọt ngào… đã cáo chung. Những cụm từ ăn chia, lời lãi phần trăm, hoa hông hồng, phết phẩy… cũng bỏ tôi để xuống mồ. Tôi linh cảm, sắp tới tôi chỉ được tiếp nhận những tiếng hỏi cung khô khốc, lạnh lùng.
Tôi theo ông chủ vào khu vực cách ly 4 tháng. Đêm đến tôi chỉ còn nghe được tiếng vo ve của đàn muỗi đói, thi thoảng chêm vào tiếng thở dài đến não ruột của ông chủ mình.