Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền, cũng như của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa, kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.
Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ cô đỡ thôn, bản đã đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Cô đỡ thôn, bản sống tại cộng đồng dân tộc thiểu số, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.
Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình, nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo, thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ, trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay toàn quốc đã có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố, phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản, việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ thôn, bản hoạt động.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/1/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn, bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn, bản.
Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF khẳng định: Sức khỏe, sự sống còn của bà mẹ luôn cần là ưu tiên hàng đầu, cấp bách trong Chương trình Chăm sóc sức khỏe và phát triển của Việt Nam. Để duy trì những tiến bộ vượt bậc Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ qua, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả các bà mẹ, bất kể dân tộc hay địa bàn sinh sống, đều được chăm sóc tốt trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ. Các cô đỡ thôn, bản ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là nguồn lực quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì, mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn, bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ, trẻ sơ sinh.
Nhằm phát huy hết vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản (thuộc Dự án 07).
Mặt khác, Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản; đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số, miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản. Các bộ ngành cũng cần tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, Già làng, Trưởng bản, người có uy tín, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, tổ chức quốc tế... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất, tinh thần để động viên, phát huy vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn bản, xứng đáng là "cánh tay nối dài" của ngành y tế trong việc thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Thứ trưởng Y Thông đề nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chính sách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong việc hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản, nhằm đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, duy trì sự phát triển của đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Đồng thời, các đại biểu đã cùng ký Banner với thông điệp "Cùng chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" nhằm bày tỏ mong muốn chính sách dành cho các cô đỡ thôn, bản được quan tâm thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất.