Trước đây, do thiếu ý thức về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như do tập quán lạc hậu, hay tự ti e ngại của đồng bào dân tộc nên đã không ít trường hợp chết trẻ, chết mẹ xảy ra.
Khoảng 4 năm trở lại đây, đội ngũ cô đỡ là phụ nữ địa phương có kiến thức, được đào tạo bài bản về hoạt động tại thôn, bản đã thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt. Những cô đỡ thôn bản đã không quản ngại khó khăn, thầm lặng với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trên những bản làng rẻo cao.
Cụm các bản Pu Nhi A, B, C, D, cách trung tâm xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên khoảng 10km. Đây là các bản nằm trên rẻo cao với hơn 200 hộ dân sinh sống, 100% là đồng bào dân tộc Mông.
Đến bản Pu Nhi B, chúng tôi gặp cô đỡ Sùng Thị Của đang thăm khám cho hai mẹ con sản phụ Hạng Thị Công. Đối với gia đình chị Công cũng như bà con dân bản Pu Nhi, cô đỡ Sùng Thị Của là một người phụ nữ vô cùng quan trọng.
Bởi với bà con người dân tộc Mông ở Pu Nhi, việc đến trạm y tế xã để khám thai, sinh đẻ là việc không dễ dàng do đường sá xa xôi, giao thông cách trở cùng với tư tưởng ngại ngùng, e thẹn. Nhiều ca đẻ được thực hiện ngay ở nhà, không có sự hướng dẫn, trợ giúp của cán bộ y tế đã dẫn đến kết quả không được như ý, gây ra nhiều biến chứng cho cả sản phụ và con.
Từ khi trong bản có cô đỡ Sùng Thị Của, những ca đẻ của các bà mẹ được thực hiện dễ dàng, đúng bài bản và đều “mẹ tròn con vuông”. Ngoài ra, trong suốt quá trình mang thai cho đến sau khi sinh trẻ được 42 ngày, các bà mẹ đều được cô đỡ thăm khám, hướng dẫn chăm sóc thai nhi, chăm sóc trẻ đúng cách.
Chị Hạng Thị Công cho biết: "Khi đang đi làm nương, tôi cảm giác đau đẻ. Ngay lập tức, tôi được chồng chở về nhà và gọi cô đỡ đến để đỡ đẻ giúp. Qua thăm khám xong, cô đỡ cho biết có khả năng đẻ được ở nhà nên tiến hành đỡ đẻ và thành công. Hiện tại, sức khỏe của hai mẹ con đều tốt. Gia đình tôi rất biết ơn cô đỡ".
Dù đang mang bụng bầu nhưng chị Của vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả đến từng nhà dân để chăm lo sức khỏe cho thai phụ, sản phụ. Sau khi được đào tạo, chị Của chỉ được phân công phụ trách công việc cô đỡ tại bản Pu Nhi B. Thế nhưng do mạng lưới cô đỡ hiện vẫn chưa phủ kín khắp các bản trong xã (5 cô đỡ/20 bản), trong những năm qua, chị Của kiêm luôn công việc cô đỡ ở cả 4 bản Pu Nhi A, B, C, D.
Chị Của chia sẻ, chị đã làm cô đỡ từ năm 2014 đến nay, đã đỡ đẻ khoảng 40 ca và đều thành công. Công việc cô đỡ rất vất vả vì địa bàn rộng, các bản nằm không tập trung và đi lại khó khăn. Tuy nhiên, chị được gia đình rất ủng hộ, nhiều khi không tự đi xe máy được, chồng chị sẵn sàng chở đến nhà dân để đỡ đẻ. Mỗi lần đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”, chị cảm thấy rất vui sướng, tự hào. Bà con ở các bản cũng phấn khởi và trân trọng công việc mà chị đang làm.
Đối với công việc cô đỡ thôn bản, khó khăn nhất vẫn là vấn đề ý thức chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ còn hạn chế. Chị Lò Thị Lan, cô đỡ ở bản Huổi Tao C, xã Pu Nhi cho biết: Hầu hết các bà mẹ từ lúc mang bầu cho đến lúc gần sinh vẫn đi làm nương ở xa, làm các công việc nặng nhọc mà không quan tâm đến sức khỏe. Bên cạnh đó, do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, gia đình cũng không có điều kiện để bồi bổ, chăm sóc cho bà mẹ, thai nhi. Các cô đỡ phải nhiều lần đến nhà tư vấn cho các bà mẹ và gia đình để họ chú trọng chăm sóc sức khỏe cho mình và thai nhi.
Ông Sùng A Thi, Phó Chủ tịch UBND Xã Pu Nhi cho biết: Pu Nhi là xã khó khăn của huyện Điện Biên Đông, xã có 20 bản với hơn 1.000 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo 65%. Do trình độ dân trí thấp, phong tục lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, người dân tộc Mông thường có quan niệm e ngại, tự ái nên việc sinh đẻ thường ngại đến các cơ sở y tế. Từ khi có cô đỡ là người cùng dân tộc sinh sống tại bản, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em rất dễ dàng, mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, hiện toàn huyện Điện Biên Đông có 51 cô đỡ thôn bản phủ trên 13 xã của huyện. Những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Số bản có cô đỡ, tỷ lệ bà mẹ và trẻ được tiếp cận dịch vụ y tế được nâng lên. Nhiều bản có đến hơn 90% bà mẹ được chăm sóc sau sinh từ cô đỡ; đặc biệt là tỷ lệ chết trẻ, chết mẹ đã giảm rõ rệt.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông đánh giá, đội ngũ cô đỡ thôn bản rất cần thiết với những địa bàn vùng cao như Điện Biên Đông, cần có kế hoạch đào tạo thêm để tăng số lượng cô đỡ cho các xã trong huyện.
Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, chỉ có những cô đỡ thôn bản là người cùng dân tộc, cùng sinh sống trong bản mới phát huy hiệu quả, bởi người dân tộc, đặc biệt là các bà mẹ người Mông thường hay xấu hổ, tự ti.
Thế nhưng, thực tế phụ nữ người Mông học hết cấp 3 rất hiếm, mặt khác, để đi làm cô đỡ thôn bản với mức phụ cấp còn tương đối thấp (hiện tại 417.000 đồng/người/tháng), cũng không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cho họ. Bởi vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có sự hỗ trợ thêm để đội ngũ cô đỡ hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.