Bế tắc trong những mỏ vàng tử thần tại Liberia

Cậu thanh niên 20 tuổi Peter Kollie đang mải miết mò tìm vàng trong khu rừng ở phía đông nam Liberia thì bất ngờ chiếc hầm do chính cậu đào lên đã đổ sụp và biến thành "ngôi mộ" tối ngạt khí.

Tuổi trẻ trong lòng đất

Nhưng đó là nguy cơ mà Kollie cùng hàng ngàn thanh niên tuyệt vọng và đói nghèo khác đang làm việc tại các mỏ khai thác vàng trái phép ở vùng biên giới giữa Bờ Biển Ngà và Liberia đã luôn chuẩn bị sẵn tư tưởng.

Một cậu bé làm việc tại mỏ vàng trái phép ở Rừng Tối. Ảnh: AFP


Vài ngày sau khi Kollie qua đời, Lomax Saydee, một thợ đào vàng trẻ tuổi khác bộc bạch với phóng viên hãng tin AFP rằng: “Đối với những trường hợp như của Kollie, chúng tôi gần như bất lực không thể làm gì hơn. Giống như bạn đang đào chính ngôi mộ cho mình, khi nó đóng lại thì không ai có thể giúp đỡ bạn”.

Kollie đã làm việc trong Rừng Tối, trái tim của hạt Grand Gedeh nơi có trữ lượng vàng lớn nhưng không được quản lý chặt chẽ. Tại Rừng Tối, những cậu bé chỉ mới 7, 8 tuổi đã cặm cụi làm việc bên cạnh những đồng nghiệp trưởng thành khác, cần mẫn đào những hố sâu đến 100m nơi họ tìm ra quặng vàng và đưa các chúng vào giỏ chuyển lên mặt đất để phân loại, chọn lọc.

Cậu bé Jasper Tomapu, 12 tuổi mồ hôi chảy đầm đìa trong khi vất vả vác một cái thuổng to, kể lại: "Cháu muốn đến trường nhưng cháu không có tiền đóng học. Bố mẹ cháu đều thất nghiệp, từ khi sinh ra đến giờ cháu chưa biết trường học là gì". Còn cậu bé Moses Kerkula mới 8 tuổi thì thật thà nói cậu bé tìm vàng để có thể mua được quần áo.

Trong một báo cáo năm 2012 của các chuyên gia Liên hiệp quốc về Liberia có nhận xét: “Thương vong trong các hầm vàng bị sập tương đối phổ biến”. Thợ mỏ chủ yếu là người Liberia nhưng họ cũng bao gồm cựu binh trốn chạy khỏi bạo lực chính trị ở Bờ Biển Ngà, sống trong những lán trại tạm bợ bằng vải dù và thực phẩm chính của họ là thịt thú rừng.

Bên trong vẻ lấp lánh của vàng

Chính phủ Liberia ước tính rằng khoảng 416,5 kg vàng trị giá 16,5 triệu USD khai thác tại nước này đã xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2013 mặc dù các nguồn tin trong ngành công nghiệp này cho rằng số lượng khai thác thường niên thực tế là gần 3.000 kg.

Một thanh niên làm việc bên dòng nước đục. Ảnh: AFP


Vậy nhưng đối với những người đào vàng tại Rừng Tối, cả ngày lao động vất vả của họ cũng chỉ kiếm được vài USD và thậm chí còn có những ngày làm việc không công.

Những người kinh doanh chính thống than phiền rằng thị trường đang bị lũng loạn bởi những kẻ buôn vàng trái phép và các chi nhánh của chúng tại Mauritania, Senegal, Gambia và Mali. Từ Rừng Tối, vàng bị buôn lậu tới Monrovia hoặc Guinea và Bờ Biển Ngà nơi chúng được nấu chảy và đúc thành thỏi vàng sau đó được buôn lậu vào UAE.

Chính quyền lưỡng lự

Các quan chức Liberia và Liên hiệp quốc vào năm 2012 đã thống nhất loại bỏ các mỏ vàng trái phép ở khu vực biên giới của nước này tuy nhiên vẫn chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện.


Những lán trại ở bìa rừng thường tồi tàn và quá đông đúc, khiến những người sinh sống tại đây gặp phải nguy cơ mắc bệnh do nước nhiễm khuẩn. Không những vậy, theo đánh giá của Liên hợp quốc, việc lạm dụng ma túy còn bùng phát tại đây, dấy lên lo ngại “về những mối đe dọa tiềm ẩn tới an ninh biên giới mà những thanh niên này có thể gây ra”.

Nếu không còn mỏ vàng, những cậu bé này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để mưu sinh. Ảnh: AFP


Nhưng chính các nhà chức trách địa phương lại phải chấp nhận một thực tế rằng mỏ vàng trái phép lại đem đến cơ hội nghề nghiệp cho số lượng lớn thanh niên tại đây mà theo đánh giá chủ quan có thể trở thành "vấn đề lớn" nếu họ thất nghiệp.

Ông Peter Solo, một quan chức cấp cao của hạt Grand Gedeh cho biết việc ngừng các mỏ vàng trái phép sẽ trở thành "sai lầm" nếu chính phủ không tìm ra được các công việc mới cho các thanh niên tại đây.

Alvin Doe, một vận động viên bóng đá không chuyên đã tìm đường đến Rừng Tối, tâm sự: "Ở đây không hề có sự hỗ trợ nhưng chúng tôi luôn cầu nguyện sự giúp đỡ của Chúa trời. Chúng tôi phải đào đất đá và nếu được Chúa phù hộ, đôi khi bạn cũng sẽ tìm được chút gì đó".


Hà Linh (Theo AFP)
Thợ mỏ Ukraine sống không dễ dàng
Thợ mỏ Ukraine sống không dễ dàng

Hít thở bầu không khí trong những mỏ than có điều kiện làm việc kém nhất thế giới, cuộc sống của những người thợ mỏ ở Donetsk chưa bao giờ dễ dàng. Và vụ nổ ngày hôm qua tiếp tục tô thêm màu sắc tang thương cho bức tranh xám xịt đó.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN