Ngoài chi phí cao, các công ty muốn khai thác nguồn dầu và khoáng sản khổng lồ ở Bắc Cực còn vấp phải nhiều rủi ro, thách thức khác, từ thiếu cơ sở hạ tầng, thời tiết khắc nghiệt cho đến nguy cơ tràn dầu.Giàn khoan Kulluk mắc cạn ở bờ đông nam đảo Sitkalidak, Alaska ngày 1/1/2013. |
Một trong những khó khăn mà các công ty gặp phải khi hoạt động ở khu vực Bắc Cực được thể hiện rõ trong trường hợp của tập đoàn Shell của Hà Lan với cuộc khủng hoảng xảy ra với giàn khoan dầu Kulluk năm 2012.
Ngày 31/12/2012, giàn khoan Kulluk đã bị mắc cạn gần đảo Sitkalidak thuộc Alaska sau khi vật lộn với một cơn bão mạnh với sức gió 112 km/h. Giàn khoan đã va vào đá trên bờ đông nam của hòn đảo không người ở. Bà Susan Childs, người chỉ huy xử lý sự cố của tập đoàn Shell, nhận định: “Điều kiện thời tiết cực đoan và vùng biển khơi tiếp tục là một thách thức”. Còn ông Lois Epstein, kỹ sư và giám đốc Chương trình Bắc cực của Hội Thiên nhiên hoang dã cho rằng sự cố với Kulluk cho thấy Shell không thể vượt qua thời tiết khắc nghiệt ở vùng Alaska và Bắc Cực.
Chương trình khoan dầu ở Bắc Cực của Shell giai đoạn 2012-2013 còn gặp nhiều vận rủi khác trước đó, như các tàu của Shell không thể ra khu vực khoan dầu nước nông do bờ biển Alaska có quá nhiều băng.
Thời tiết lạnh giá gần như quanh năm ở Bắc Cực khiến các công ty phải bỏ ra một khoản chi phí nữa để trang bị quần áo lao động đủ ấm cho nhân viên, mua các loại dầu và nhiên liệu không bị đóng băng dành cho các thiết bị, phương tiện. Vào mùa hè, khi nhiệt độ trung bình trên 0 độ C, mặt đất không có băng tuyết và phù hợp cho các hoạt động của con người và máy móc, thì một khó khăn khác xuất hiện là sự phát triển của các khu rừng taigai ở phía bắc khiến việc di chuyển vào vùng Bắc Cực gần như là không thể. Với điều kiện khó khăn như vậy, việc xây dựng các con đường về lâu dài là không khả thi về kinh tế và kỹ thuật.
Do không có đường cố định nên phần lớn hoạt động thăm dò trên bờ chỉ có thể thực hiện được vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới ít nhất -20 độ C và có thể khiến mặt đất đóng băng đủ cứng cho các máy móc thiết bị hạng nặng đi lại.
Cùng với khó khăn về hậu cần và thời tiết, nguy cơ tràn dầu khi khai thác là một mối lo lớn của các công ty. Lo sợ rủi ro này mà tập đoàn dầu Total của Pháp đã công khai phản đối khai thác ngoài khơi ở Bắc Cực bất chấp sự chỉ trích của các đối thủ. Cố Tổng giám đốc Total, ông Christophe de Margeri, từng bày tỏ lo ngại về hậu quả của một vụ tràn dầu, coi đó sẽ là một thảm họa nếu xảy ra: Thảm họa với cả môi trường và uy tín, số phận của công ty khai thác.
Trong khi mới chỉ có một tập đoàn dầu phản đối khai thác dầu ở Bắc Cực, các tổ chức môi trường từ lâu đã cảnh báo mối nguy của hoạt động này. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) nhận định: “Điều kiện khoan dầu mà các công ty gặp phải khi hoạt động ở Bắc Cực là thử thách lớn nhất trên Trái Đất. Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện băng giá và vị trí xa xôi là những thách thức chưa từng có tiền lệ cản trở nỗ lực xử lý một vụ tràn dầu nếu nó xảy ra”.
Một vụ rò rỉ dầu nhỏ cũng có thể khiến hệ sinh thái lâm nguy, đặc biệt là trong bối cảnh hệ sinh thái Trái Đất hiện nay đã quá mong manh. Nếu để xảy ra một vụ tràn dầu, công ty khai thác còn có nguy cơ khánh kiệt vì khoản tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả. Nếu tràn dầu ở vùng biển ấm, dầu có thể phân tán nhanh chóng nhờ vi khuẩn. Còn ở Bắc Cực băng giá, dầu không thể phân tán theo cách tự nhiên, có khi phải mất tới hàng chục năm.
Thế nhưng, bất chấp chi phí cao, rủi ro lớn, phần lớn các tập đoàn dầu lớn nhất thế giới vẫn tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt khai thác nguồn dầu và khoáng sản ở Bắc Cực.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ cuối: Tham vọng Bắc Cực