Mới đây một vị Bộ trưởng chính phủ Ấn Độ đã có phát ngôn gây tranh cãi khi tuyên bố trước Quốc hội rằng việc bạo hành tình dục tại nước này không thể nào bị quy kết thành tội danh vì ông cho rằng “hôn nhân là bất khả xâm phạm”.Trong một cuộc khảo sát của chính phủ, có khoảng 10% phụ nữ Ấn Độ trả lời phỏng vấn phải chịu bạo hành tình dục từ chính người bạn đời của mình. |
Chần chừ không chịu tháo gỡ khăn mạng che mặt, Rashmi (tên nhân vật đã được thay đổi) cố gắng không muốn để lộ thân phận khi trả lời phỏng vấn. Người phụ nữ 25 tuổi này là một trong số rất nhiều nạn nhân đang phải chịu tình trạng bạo hành tình dục và phải một thân một mình đấu tranh giành lấy công bằng cho bản thân. “Đối với hắn ta, tôi chỉ là món đồ chơi mà mỗi tối hắn thường lôi ra hành hạ. Có những lúc trong người tôi cảm thấy không khỏe, mặc sức van xin nhưng hắn vẫn tiếp tục hành xử thô bạo, thậm chí ngay trong thời kì kinh nguyệt”.
Ở Ấn Độ, việc người chồng cưỡng hiếp người vợ không bị liệt vào danh sách phạm tội. Rất nhiều ý kiến cho rằng hôn nhân chỉ là nơi thỏa mãn nhu cầu tình dục của cánh đàn ông, và chính vì vậy phụ nữ trở thành đối tượng phải cam chịu. “Tôi vẫn còn nhớ như in tối 14/2/2014. Hôm đó sinh nhật hắn. Chúng tôi đã có một cuộc cãi vã nảy lửa. Hắn liên tiếp giở trò thô bạo, ép tôi xuống giường. Không thể kháng cự, kết cục tôi phải nhập viện và chảy máu mất 60 ngày sau đó", Rashmi đau đớn kể lại. Vào tháng 2, Tòa án tối cao Ấn Độ đã từ chối đơn thỉnh cầu của Rashmi về việc người chồng cưỡng hiếp mình phải chịu hình phạt như mọi loại tội ác khác.
Cộng đồng xã hội nhìn nhận những người vợ đưa chồng mình tố cáo trước tòa đều là những người cố ý muốn bêu riếu cuộc sống gia đình. |
Luật sư nhân quyền và bình đẳng giới của tòa án tối cao Ấn Độ Karuna Nundy cho biết luật pháp hiện hành cũng đã phần nào mở lối thoát cho những nạn nhân bị bạo hành tình dục. “Vợ có thể kiện chồng ra tòa vì có những hành vi bạo lực. Và dựa trên tính chất nghiêm trọng của vụ việc, người vợ có thể được sống cách ly với người chồng”. Pooja – mẹ của 3 đứa bé gái đã phải câm lặng 14 năm trước khi cô có dũng khí thưa kiện chồng cô ra tòa vì có “hành vi bạo lực và ép buộc tình dục”.
Pooja hiện không phải sống cùng với chồng, nhưng cô từ chối li dị vì cô nghĩ điều đó cho phép hắn được tái hôn. “Không thể để hắn sử dụng cơ hội này để làm hại đời một người phụ nữ khác. Tôi không đơn giản là muốn li dị, tôi muốn hắn bị trừng phạt”.
Nạn nhân của các vụ bạo lực này cho biết họ phải đấu tranh một mình vì đến giờ vẫn chưa có bất kì điều luật nào trong hệ thống luật pháp Ấn Độ có thể bảo vệ họ, trừng phạt kẻ ác. Hơn thế nữa, cộng đồng xã hội nhìn nhận những người vợ đưa chồng mình tố cáo trước tòa đều là những người cố ý muốn bêu riếu cuộc sống gia đình. Khi chúng tôi kết thúc buổi phỏng vấn, Rashmi cởi bỏ mạng che mặt và nói “Kể cả khi ra tòa, chồng tôi và gia đình nhà chồng hoàn toàn không bị ảnh hưởng cũng như tỏ ra hối lỗi vì những việc đã xảy ra. Ngược lại tôi phải chịu những ánh mắt khinh thường ghẻ lạnh của xã hội. Tại sao tôi lại bị khinh miệt vì việc nói cho mọi người biết chính chồng mình là kẻ cưỡng hiếp”.
Theo kết quả của các nghiên cứu trong những năm gần đây, bạo hành tình dục ngày càng trở nên phổ biến tại Ấn Độ. Có khoảng 10% trong số 124.5 phụ nữ được phỏng vấn trong một cuộc khảo sát sức khỏe gia đình phải chịu bạo hành tình dục từ chính người bạn đời của mình.
Hồng Hạnh(theo BBC)