Theo thông báo, nền tảng mới của TikTok tập trung vào các công ty vừa và nhỏ, cung cấp các công cụ đổi mới nhằm tạo ra các nội dung sáng tạo, đáng tin cậy và độc đáo trên ứng dụng.
Phó Chủ tịch phụ trách mảng giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok, Blake Chandlee, nhấn mạnh các video ngắn và ấn tượng của TikTok sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp một nền tảng để tham gia vào một cộng đồng, vốn nổi tiếng về sự sáng tạo, khéo léo và vui nhộn.
Động thái trên là một nỗ lực của TikTok nhằm cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến phổ biến như Facebook, YouTube và Twitter và sau khi ứng dụng này bị cấm tại Ấn Độ và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố xem xét cấm ứng dụng này tại Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ đã lưu tâm tới những mối lo ngại về an ninh quốc gia khi nền tảng trực tuyến chia sẻ các video ngắn TikTok có trong tay dữ liệu người dùng.
Về phần mình, TikTok luôn cố gắng tách bạch với chủ sở hữu ở Trung Quốc, khẳng định có Giám đốc điều hành (CEO) là người Mỹ và bác bỏ các cáo buộc về việc chia sẻ dữ liệu với cơ quan chức năng Trung Quốc.
TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Ước tính ứng dụng này đang có 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, TikTok có trên 52 triệu người dùng tại Mỹ, trong đó có thêm 12 triệu người dùng trong thời gian dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi.