Hiệu quả từ dạy học theo chuyên đề, dự án tại TP Hồ Chí Minh

Với việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, những năm gần đây, nhiều trường học tại TP phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai dạy học theo dự án, chuyên đề với nội dung đa dạng. Điều này đã đem lại những kết quả tích cực trong dạy và học, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức tốt hơn, học sinh còn có môi trường để rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết.

Chú thích ảnh
Với việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, những năm gần đây, nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai dạy học theo dự án, chuyên đề với nội dung đa dạng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Học sinh hào hứng

Thông qua những câu chuyện và hình ảnh sinh động để giới thiệu đến học sinh những làn điệu dân ca từ Bắc tới Nam, những nét văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, đôi khi người giảng dạy còn trực tiếp thể hiện một số làn điệu để học sinh hiểu rõ hơn.

“Em ít khi nghe dân ca, một phần là vì không hiểu về nó. Sau tiết học này, em đã hiểu hơn, đặc biệt còn biết cả về văn hóa của mỗi vùng miền thông qua các làn điệu dân ca ấy” - em Minh Danh, học sinh lớp 10A2, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) chia sẻ khi vừa được tham gia tiết học về các làn điệu dân ca tại trường.

Đây là một trong những tiết học trong chuyên đề Dạy văn hóa cho học sinh được Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du thực hiện từ năm học 2019-2020. Chuyên đề được tổ chức vào buổi học thứ 2 các ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần dành cho học sinh khối 10 và 11, nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức về giá trị cũng như những quy tắc văn hóa truyền thống và hiện đại.

Tham gia giảng dạy chuyên đề này là các chuyên gia, nghệ sĩ nổi tiếng được nhà trường mời đến. Trong chuyên đề này, các học sinh được tiếp cận hai nội dung lớn, gồm văn hóa truyền thống (văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, giao tiếp ứng xử…) và văn hóa hiện đại (văn hóa giao tiếp, ứng xử trên mạng, trong gia đình, nhà trường, xã hội…).

Chia sẻ về lý do đưa chuyên đề này vào giảng dạy, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay những tác động của nhiều xu hướng khiến một bộ phận người trẻ, trong đó có học sinh dần quên đi những giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, thời gian qua, nhà trường đã thực hiện lồng ghép các nội dung này vào trong các tiết học.

Tuy nhiên, thực tế giáo viên không có nhiều thời gian cũng như chuyên môn để nói sâu về nghệ thuật truyền thống cho học sinh hiểu. Vì vậy, chuyên đề này sẽ giúp học sinh có nhiều điều kiện tiếp cận với những kiến thức về văn hóa truyền thống của cha ông ta cũng như kỹ năng cần thiết trong thời hiện đại… Qua đó, có thái độ ứng xử đúng mực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, gìn giữ thuần phong mỹ tục.

Việc học theo chuyên đề, nhất là hình thức sân khấu hóa cũng giúp môn Lịch sử - một trong những môn mà học sinh sợ học, dần trở nên thú vị hơn. Vì vậy, nhiều trường đã phát huy lợi thế của hình thức này để giúp việc học lịch sử với học sinh trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Mới đây, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) tổ chức chuyên đề sân khấu hóa cải lương với chủ đề “Hào khí Nguyễn Hữu Huân”. Hình thức không chỉ giúp học sinh hiểu được kiến thức lịch sử mà còn giúp các em hiểu hơn về nghệ thuật cải lương.

Hay Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 3) cũng vừa tổ chức ngày hội Cosplay các nhân vật lịch sử - một hoạt động trong dự án dạy học Truyền cảm hứng từ các nhân vật lịch sử. Theo đó, các em chủ động tìm hiểu, chọn nhân vật lịch sử các em yêu thích và tái hiện lại hình ảnh nhân vật bằng hiểu biết của mình. Qua hình thức học tập mới mẻ này, môn Lịch sử trở nên thú vị hơn với học sinh.

Nhiều năm nay, Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) cũng tổ chức nhiều hoạt động dạy học theo chuyên đề. Một trong những hoạt động nhà trường rất chú trọng là về văn hóa nghệ thuật truyền thống, lịch sử để giáo dục học sinh.

“Vừa qua, trường phối hợp với Nhà Hát Bội thành phố tổ chức chuyên đề lồng ghép liên môn Mỹ thuật, Lịch sử, Nghệ thuật... Những hình ảnh sinh động của buổi diễn khiến các em rất hào hứng, những nhân vật lịch sử trong vở diễn cũng giúp các em hiểu rõ hơn về bối cảnh, giá trị lịch sử”- thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trưởng thành qua trải nghiệm

Mỗi năm đại dương phải nhận khoảng 8 triệu tấn nhựa từ rác thải và phải mất từ 10-1000 năm để phân hủy nó. Từ thực tế này, Câu lạc bộ Hóa học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân đã hình thành ý tưởng về xử lý, tái sử dụng lại rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và Dự án Gạch sinh thái được ra đời từ đó.

Theo đó, các thành viên của Câu lạc bộ cùng hướng dẫn các bạn học sinh trong trường tiến hành thu gom rác thải không phân hủy, làm sạch và để khô; sau đó nén chặt số rác đó vào trong những chai nhựa đã được làm sạch và khô. Sản phẩm gạch sinh thái hoàn thành đạt chuẩn phải có khối lượng bằng 0,4 nhân với thể tích của chai. Gạch sinh thái có thể làm vật liệu để xây dựng những công trình nhỏ như bồn hoa, thùng rác…

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên Hóa, phụ trách dự án Gạch sinh thái chia sẻ, sau khi phát động từ tháng 6 đến nay, Câu lạc bộ nhận được khoảng 400 viên gạch từ học sinh trong trường. Các em đã sử dụng những viên gạch sinh thái này để làm ra một số mô hình, sản phẩm như thùng rác ở các lớp, thùng thư cho Câu lạc bộ báo chí của trường… Để dự án được lan tỏa hơn, một nhóm học sinh của Câu lạc bộ đang tiếp tục thực hiện hoạt động tuyên truyền ở các khu phố, đổi túi vải có in logo của dự án để lấy các bao ni lông, đồ nhựa.

“Dự án chủ yếu hướng đến mục tiêu giáo dục, nâng cao ý thức mọi người trong việc bảo vệ môi trường và sống xanh đúng nghĩa. Đầu tiên phải từ chối dùng nhựa, nếu phải dùng thì hãy tái sử dụng hết mức có thể, sau đó mới mang ra tái chế khi không tái sử dụng được nữa. Và làm gạch sinh thái là một cách tái chế tạm thời nhanh nhất, dễ làm. Gạch sinh thái không phải chiếc chìa khóa tối ưu, nó chỉ là phương án giải quyết khi không thể tiếp tục tái sử dụng đồ nhựa và nilon” - em Lê Chí Thành lớp 12 chuyên Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hóa học chia sẻ.

Ở một chủ đề khác, 3 năm gần đây, nhiều học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du đã được trải nghiệm công việc của một giáo viên thực thụ, trong dự án dạy học “Một ngày làm giáo viên”. Dự án dạy học này nhằm giúp học sinh yêu thích nghề giáo có những trải nghiệm thú vị về nghề.

Việc tự thực hiện tất cả các công việc từ chọn bài giảng, soạn giáo án, giảng dạy và cả xử lý những tình huống phát sinh trong lớp học… đã giúp các em thêm hiểu và trân quý nghề giáo hơn. Đây cũng là một hoạt động hiệu quả trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh, góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của từng học sinh.

Vào vai cô giáo trong một tiết dạy Lịch sử, trước đó Quế Hương - học sinh lớp 11A1 đã phải chuẩn bị bài giảng rất kỹ, từ soạn nội dung bài giảng đến chọn lọc những hình ảnh, clip trình chiếu để bài giảng của mình được sinh động hơn. Quế Hương cho biết, từ buổi học này, em hiểu hơn về sự vất vả của các thầy cô giáo để có được những tiết học bổ ích cho học sinh. Trải nghiệm này giúp em tự tin hơn khi đứng trước lớp, cũng như học được các kỹ năng trong giao tiếp, truyền tải nội dung sao cho hấp dẫn người nghe.

Theo Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, thời gian qua, nhà trường đã triển khai rất nhiều dự án dạy học, chuyên đề về giáo dục đạo đức, kỹ năng, văn hóa…

Thông qua các hình thức dạy học này, học sinh không những nắm bắt kiến thức tốt mà có thêm điều kiện để rèn luyện các kỹ năng cần thiết, các em năng động, tự tin hơn, làm việc nhóm tốt hơn… Nhà trường còn thiết kế nhiều chuyên đề kỹ năng dành cho phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu và đồng hành cùng con em mình trong học tập cũng như cuộc sống.

Từ hiệu quả thực tế tại nhà trường, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, cách dạy học bằng dự án, chuyên đề không chỉ giúp cả thầy và trò đều sáng tạo để đạt được kết quả tốt trong học tập, mà thông qua đó các em học được nhiều kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, thuyết trình, nghiên cứu…

T.Hoài (TTXVN)
Dạy học trò yêu thiên nhiên không chỉ qua từng trang sách vở
Dạy học trò yêu thiên nhiên không chỉ qua từng trang sách vở

Tiết học của cô giáo Vũ Bích Phương, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn kết thúc trong sự háo hức và mong chờ đến tiết học tiếp theo của học sinh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN