Mới đây, một ông bố ở Anh đã tức giận cắt bữa ăn trưa ở trường cho các con vì trường phục vụ thứ bánh burger thịt gà tây xám ngoét “kinh tởm”. Ông bố 47 tuổi tên là David Rutherford ban đầu coi việc con trai kêu ca về bữa ăn là quan trọng hóa vấn đề. Tuy nhiên, sau khi nhìn bức ảnh chiếc bánh mà một phụ huynh đã đăng lên Facebook kèm câu hỏi: “Liệu có ai dám ăn cái bánh này không?”, ông bố đã ngay lập tức cắt suất ăn trưa ở trường cho con trai. Ông David nói: “Chúng tôi đã mất hết niềm tin vào việc gửi con tới trường ăn trưa. Chúng tôi sẽ tự chuẩn bị bữa trưa cho con hoặc đón chúng về nhà”. Nhiều phụ huynh như ông David đã bày tỏ sự bức xúc, sốc khi nhìn thấy thứ con mình ăn buổi trưa ở trường trung học Blairgowrie (Perthshire). Có người thậm chí nói rằng người ta còn không cho chó cưng ăn những món ăn như vậy.
Ở Mỹ, một bức ảnh chụp bữa trưa trường trung học Apollo ở St. Cloud, bang Minnesota đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Một học sinh tên Maryn Holler là người đã chụp bức ảnh bữa trưa nghèo nàn đó. Bữa trưa gồm vài củ cà rốt bao tử bé tí, một chiếc bánh xúc xích chỉ có ít bơ mà không có xúc xích, một ít nước sốt. Maryn cho biết mình thấy biết ơn vì gia đình đủ tiền để cho cô về nhà ăn trưa và cảm thấy thương các bạn khi phải nuốt thứ này trong bữa trưa ở trường. Cô nữ sinh kêu gọi nhà trường chấm dứt phục vụ những bữa ăn 3 USD mà chỉ như 50 xu.
Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các trường tăng hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên cám, sữa ít béo; giảm muối, chất béo bão hòa trong bữa ăn; đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh. Nhưng chỉ cần nhìn ảnh chụp bữa ăn trưa là ai cũng có thể khẳng định bữa ăn đó không đáp ứng các tiêu chuẩn trên.
Rõ ràng là bữa ăn trưa bán trú không phải là vấn đề chỉ xảy ra ở trường Blairgowrie nước Anh hay trường Apollo nước Mỹ. Trong thời gian gần đây, báo chí trong nước cũng tràn ngập thông tin, hình ảnh về những bữa ăn “nhìn muốn khóc”.
Đầu tiên là bữa ăn ở Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Sala, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh), một ngôi trường con nhà giàu, sang chảnh, học phí đắt đỏ bậc nhất. Bữa ăn 4 món lèo tèo với 3 miếng gà kho bé tí, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít su su và cà rốt xào, canh bắp cải và một miếng dưa hấu. Bỏ một đống tiền cho con học trường quốc tế nhưng có bà mẹ đã bật khóc khi nhìn bữa ăn trưa của con. Họ không thể hiểu và không thể chấp nhận bữa ăn như thế khi tiền ăn một ngày đã lên tới 140.000 đồng.
Ở trường tư thục quốc tế mà đồ ăn còn bị chê thì ai cũng hiểu bữa trưa ở trường công lập như thế nào. Chuyện học sinh chê bữa trưa ở trường, cố nuốt khi bị cô giáo nhắc nhở dù miếng ăn phát buồn nôn là điều không xa lạ. Mỗi bữa ăn lẽ ra phải là lúc mà trẻ em đang tuổi lớn háu đói mong chờ nhất nhưng không rõ từ bao giờ đã biến thành cực hình ở nhiều trường. Nếu phải cố ăn vì bị ép, vì không thể đổ đi thì dù có ăn vào người thì cơ thể trẻ cũng chẳng thể hấp thu dinh dưỡng.
Đó là chưa nói tới chuyện nhiều bữa ăn không những không dinh dưỡng mà thậm chí còn gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh tật. Hẳn ai cũng còn nhớ vụ các phụ huynh Bắc Ninh đã phải cho con tuổi mầm non xuống Hà Nội xét nghiệm ấu trùng sán sau khi phát hiện các con phải ăn thứ thịt lợn nổi hạch trắng và thịt gà đông lạnh mủn nát, hôi thối ở trường. Hay vụ xảy ra ngày 13/9, gần 90 học sinh mầm non ở Phú Thọ đã phải vào trung tâm y tế vì ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn. Và còn rất nhiều vụ việc tương tự nữa.
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa đón con về nhà ăn trưa, nghỉ trưa rồi lại chở đến trường. Đa số trẻ em đều phụ thuộc vào bữa trưa ở trường để nạp năng lượng, dinh dưỡng cần thiết cho mọi hoạt động vui chơi, học tập. Nhà trường nào cũng phải có trách nhiệm đảm bảo điều thiết yếu ấy.
Thế nhưng miếng ăn của con trẻ - một trong những nhu cầu thiết yếu, quyết định đến sức khỏe, thể trạng, tầm vóc, trí óc – lại bị buông lỏng quản lý đến mức nguy hiểm. Phục vụ đồ ăn bán trú cho học sinh đang trở thành ngành kinh doanh dễ dãi. Đa số trường đều thuê các đơn vị bên ngoài nấu bữa trưa cho học sinh, khiến nhiều cơ sở, công ty nhảy vào tranh giành nhau. Họ tìm mọi cách lo lót sao cho được trúng thầu. Khi đã trúng thầu, họ phải tìm cách bù lỗ cho những chi phí đã bỏ ra. Vẫn biết kinh doanh là phải có lãi, nhưng trắng trợn ăn cắp, rút lõi khẩu phần của học sinh bằng nhiều cách, như cắt xén thức ăn, như dùng thực phẩm rẻ tiền, thiu thối thì đó là hành vi vô lương tâm.
Điều đáng nói là những vụ bê bối bữa ăn trưa bán trú toàn do phụ huynh phát hiện, tố giác. Nhiều người đã phải “rình rập”, “đánh úp” để bắt quả tang cơ sở phục vụ bữa ăn dùng thực phẩm bẩn nấu ăn cho học sinh. Trong khi đó, trách nhiệm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm phải thuộc về nhà trường và các cấp quản lý.
Các trường học và cả ngành giáo dục luôn hô khẩu hiệu “tất cả vì tương lai con em chúng ta” nhưng lại chưa làm tất cả vì tương lai đó. Những tương lai đó sẽ ra sao khi ngày ngày phải ăn bữa ăn trưa nghèo nàn, kém chất lượng ở trường? Những tương lai đó sẽ vui chơi, học tập và phát triển thế nào khi ngày ngày phải cố nuốt bữa ăn “tủi hờn” như lời một cô giáo mô tả? Nếu may mắn thì những tương lai đó chỉ bị đói, còn kém may mắn thì đau bụng, ngộ độc, nhiễm sán.
Để bảo vệ bữa ăn cho học sinh, nhà trường phải có trách nhiệm giám sát, ngành giáo dục phải có quy định kiểm soát chặt chẽ, đơn vị cung cấp bữa ăn phải có uy tín, lương tâm trong kinh doanh. Có như vậy, học sinh mới không phải ăn những bữa trưa “tủi hờn”, “nhìn muốn khóc”.