2. Có một thực tế, nhiều khi tại nạn, ùn tắc giao thông xảy ra do những nguyên nhân hoàn toàn có thể tránh được. Xe chạy ngược chiều: Tai nạn. Xe phóng nhanh, vượt ẩu: Tai nạn. Lái xe trong tình trạng uống rượu say: Tai nạn… Xe vượt đèn đỏ: Tắc đường. Xe lấn làn: Tắc đường. Đường đang ùn ứ vẫn cố chen lấn theo kiểu “điền vào chỗ trống”, còn khe hở nào là len xe vào bất biết sau đó ra sao, khiến hai chiều đường bị nút cứng lại làm cho tình trạng tắc càng trầm trọng và kéo dài hơn… Tất cả các lỗi ấy đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.
Chính vì vậy, tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ngày 8/12/2015), Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, văn hoá giao thông phải trở thành thói quen của mỗi người.
3. Trước đó, ngày 7/12/2015, Thành đoàn và ban An toàn giao thông TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức chương trình đột phá giảm ùn tắc, tai nạn giao thông với khoảng 800 bạn trẻ tại 24 quận, huyện của Thành phố tham gia các đội hình tình nguyện phản ứng nhanh để đảm bảo an toàn giao thông. Những năm trước đây, tại các ngã tư đường phố Hà Nội thỉnh thoảng cũng xuất hiện những bóng áo xanh Thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đặc biệt trong các đợt thi tuyển đại học, lực lượng sinh viên tham gia công tác này rất đông đảo và thực sự mang lại hiệu quả. Nhưng phong trào này không được duy trì thường xuyên, liên tục; và có ý kiến cho rằng, việc thanh niên tình nguyện, sinh viên tham gia bảo đảm trật tự giao thông chỉ mang tính hình thức vì thời gian và số lượng “không thấm vào đâu” so với tình trạng vi phạm của người tham gia giao thông.
4. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ ý thức thì câu chuyện này lại có những ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trước mắt cũng như lâu dài. Thứ nhất: Lực lượng này là sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời cho lực lượng cảnh sát giao thông vốn đang rất mỏng trước vấn nạn giao thông hiện nay, nhất là trong giờ cao điểm. Thứ hai: Việc trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ có tác dụng nâng cao nhận thức và hình thành văn hóa giao thông cho chính các thanh niên tình nguyện. Tôi tin chắc rằng, từ việc chứng kiến những lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và nhắc nhở kịp thời cũng như việc nhận thức được hậu quả của những hành vi vi phạm, hầu hết những thanh niên tình nguyện này sẽ không bao giờ vi phạm.
Không những thế, kể cả những lúc không tham gia bảo đảm trật tự giao thông, họ cũng có ý thức, trách nhiệm nhắc nhở người khác, mà trước hết là người thân không vi phạm. Như vậy, ý thức, văn hóa giao thông sẽ từng bước hình thành, củng cố, lan tỏa và trở thành “thói quen” của xã hội; nhất là khi nó được khởi nguồn từ lớp trẻ. Thứ ba: Hướng các em vào những hoạt động có ích cho xã hội sẽ giúp các em hình thành nhân cách và sống có trách nhiệm hơn; đồng thời giúp các em xa lánh các tệ nạn, ngăn ngừa thói xấu…
5. Cách ngôn cổ Ba Lan có câu: “Gieo hành vi, gặt thói quen/ Gieo thói quen, gặt tính cách/ Gieo tính cách, gặt số phận”.
Ý thức không từ trên trời rơi xuống, nó được hình thành thông qua nhận thức và hành vi hằng ngày của mỗi người.
Ý thức và văn hóa giao thông cũng vậy, thay vì những lời nói suông và hô hào chung chung, hãy nên bắt đầu bằng những hành động cụ thể mỗi ngày.
Ý thức không từ trên trời rơi xuống!