Boris Berezovsky - Bố già điện Kremlin - Kỳ 3: Kẻ lưu vong bất mãn

Khi trở thành tổng thống, ông Putin đã ra lệnh cho Berezovsky bán kênh truyền hình ORT nếu không muốn vào tù. Berezovsky chịu các cáo buộc hình sự, gồm tội biển thủ trong phi vụ giành quyền kiểm soát hãng hàng không Aeroflot của Nga và tội rửa tiền. Khi cảnh sát ập đến nhà, Berezovskly đã bỏ trốn sang Pháp, sau đó sang Anh.


 

Berezovsky cầm khẩu hiệu biểu tình trước Đại sứ quán Nga ở Anh tháng 8/2010.

Sau khi Berezovsky xin tị nạn chính trị ở Anh, chính quyền Nga đã kết án vắng mặt ông ta trong hai phiên tòa. Phiên xét xử ở Mátxcơva hồi tháng 11/2007 tuyên án Berezovsky 6 năm tù vì tội biển thủ gần 4,3 triệu bảng của hãng Aeroflot. Theo cáo trạng, trong những năm 1990, Berezovsky là thành viên của một băng tội phạm có tổ chức chuyên đánh cắp doanh thu bằng ngoại tệ của Aeroflot. Từ thủ đô Luân Đôn (Anh), Berezovsky gọi phiên tòa là một “trò hề”.


Tháng 6/2009, tòa án thành phố Krasnogorsk đã kết án Berezovsky 13 năm tù vì lừa gạt để chiếm đoạt 1,9 triệu USD của hãng AvtoVAZ. Trong phiên tòa, Berezovsky được một luật sư do tòa chỉ định làm đại diện.


Berezovsky đã may mắn không bị dẫn độ về Nga nhưng một số tài sản mà ông ta giành được sau bao nhiêu năm đấu đá trên thương trường và chính trường bỗng chốc tuột khỏi bàn tay. Chính quyền Nga đã tịch thu bất động sản của ông đồng thời coi các giao dịch tài chính của ông là hoạt động rửa tiền.


Tháng 7/2007, các công tố viên Braxin đã phát lệnh bắt Berezovsky để điều tra vụ đầu tư của ông ta vào câu lạc bộ bóng đá Braxin Corinthians. Theo đề nghị của Nga, chính quyền Pháp đã đột kích kiểm tra biệt thự của Berezovsky ở Nice để tìm tài liệu, tịch thu hai du thuyền của ông ta đang neo đậu ở Riviera. Công tố viên Thụy Sĩ cũng hỗ trợ Nga điều tra tình hình tài chính của Berezovsky.


Khi Berezovsky phải lưu vong trên đất Anh, các đối thủ của ông ta được dịp tung ra vô số cáo buộc. Những cáo buộc này trở thành chủ đề chính trên các phương tiện truyền thông Nga. Ngược lại, ở Anh, Berezovsky cũng xuất hiện thường xuyên trên truyền hình, trong các cuộc tranh luận công khai để công kích Tổng thống Putin.


Trong một cuộc phỏng vấn với kênh BBC của Anh, Berezovsky từng tuyên bố: “Tôi chắc rằng ông Putin không có cơ hội để tồn tại, thậm chí là đến cuộc bầu cử năm 2008. Tôi thực sự đang tính đến chuyện quay về Nga sau khi Putin sụp đổ và điều đó sẽ xảy ra”.


Berezovsky còn cho biết ông ta có kế hoạch lật đổ chính quyền Nga bằng vũ lực. Berezovsky cũng thừa nhận rằng trong suốt thời gian qua, ông ta đã cố công cố sức “hủy hoại hình ảnh tích cực của ông Putin” trong mắt nhiều người phương Tây. Yuli Dubov, một cộng sự thân cận của Berezovsky và cũng là một người sống lưu vong, kể: “Tôi đã ở Anh 10 năm và cứ 3 tháng một lần, tôi lại nghe Berezovsky nói rằng trong 3 tháng nữa, chúng tôi sẽ về Nga”.


Sau khi Berezovsky tuyên bố muốn lật đổ Tổng thống Putin bằng vũ lực, ông Garry Kasparov, một nhân vật quan trọng trong phong trào đối lập The Other Russia và là lãnh đạo của Mặt trận Dân sự Thống nhất, đã viết trên trang web của mình rằng: “Berezosky đã sống lưu vong nhiều năm và không còn có ảnh hưởng quan trọng tới các tiến trình chính trị diễn ra trong xã hội Nga. Những tuyên bố ngoa ngôn của ông ta chỉ đơn giản là cách thu hút sự chú ý. Hơn nữa, đối với phần lớn người dân Nga, ông ta chỉ là biểu tượng chính trị của những năm 1990... Berezovsky đã, đang và sẽ không có mối liên hệ nào với The Other Russia và Mặt trận Dân sự Thống nhất”.


Cảnh sát Anh dường như cũng “ù tai” trước những tuyên bố của Berezovsky và đã cảnh báo rằng họ có thể xem xét lại tư cách tị nạn chính trị của Berezovsky nếu ông ta còn lặp lại những phát ngôn tương tự.


Ngoài ra, Berezovsky còn kết nối với nhiều nhân vật lưu vong khác ở Anh để cáo buộc Nga lạm dụng nhân quyền và chủ mưu các vụ ám sát như vụ đầu độc điệp viên Alexander Litvinenko bằng poloni năm 2006 ở Luân Đôn. Do lo sợ bị ám sát, ngôi nhà 10 triệu bảng Anh mà Berezovsky mua ở Anh được lắp cửa sổ chống đạn, thiết bị giám sát laze, máy ghi hình theo dõi và cửa thép.


Tháng 6/2007, Berezovsky rời nước Anh theo lời khuyên của Sở cảnh sát Anh khi có tin ông ta là mục tiêu ám sát của một tay súng người Nga. Berezovsky được báo rằng kẻ ám sát ông ta sẽ là một người mà ông ta quen biết và kẻ này sẽ bắn vào đầu Berezovsky rồi đầu hàng cảnh sát.


Trước đó, năm 1994, Berezovsky cũng suýt chết trong một vụ đánh bom xe. Vụ việc này làm Berezovsky bị thương còn chiếc ô tô cùng lái xe riêng bị nổ tan xác.



Thùy Dương

Đón đọc kỳ tới: Trùm sò khánh kiệt

Boris Berezovsky - Bố già điện Kremlin - Kỳ cuối: Cái chết khó hiểu
Boris Berezovsky - Bố già điện Kremlin - Kỳ cuối: Cái chết khó hiểu

Vào ngày 23/3/2013, người vệ sĩ duy nhất còn lại của Berezovsky nhận ra điều bất bình thường khi thấy điện thoại di động của ông trùm nằm trên bàn, có vài cuộc gọi nhỡ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN