Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 11

Sóng gió từ những chiếc Il-28


Trong lúc Fidel bất bình trước sự nhượng bộ của Khrushchev,  hiệu triệu nhân dân Cuba chiến đấu chống Mỹ tới cùng, kiên quyết phản đối phái đoàn LHQ đến Cuba và Khruschchev tìm mọi cách thuyết phục Fidel, thậm chí còn cử Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Anastas Hovhannesi Mikoyan, sang thăm Cuba làm công tác đả thông tư tưởng, người Mỹ lại đưa ra yêu cầu mới đối với Liên Xô. Đó la Mátxcơva phải rút những chiếc máy bay ném bom phản lực Il-28 khỏi Cuba. Cuộc khủng hoảng trên biển Caribê đang đứng trước thời điểm bước ngoặt đột nhiên trở nên phức tạp, bước vào giai đoạn hai, kéo dài tới tận ngày 20/11/1962.

Adlai Stevenson, Đại sứ Mỹ tại LHQ đang giới thiệu những bức không ảnh về việc Liên Xô bố trí tên lửa tại Cuba ngày 4/11/1962.

Ngày 4/11, Adlai Stevenson, Đại sứ Mỹ tại LHQ giao bản danh sách những loại vũ khí tiến công cho Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Vasily Vasilyevich Kuznetsov, người vừa được Khrushchev phái tới New York tham gia đàm phán loại bỏ tình hình căng thẳng ở Cuba. Trong đó ghi rõ, ngoài việc rút tên lửa và các thiết bị duy tu, điều khiển tên lửa, điều cốt yếu là Liên Xô phải rút tất cả máy bay ném bom phản lực Il-28 khỏi Cuba (những chiếc máy bay này do Liên Xô vận chuyển đến Cuba tư mùa hè1962). Mỹ cho rằng Il-28 là loại vũ khí tiến công có khả năng tác chiến tầm xa và mang được bom nguyên tử, nên cũng phải triệt thoái khỏi lãnh thổ Cuba. Cuộc mặc cả mới giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu. Tư ngày 4/11 đến ngày 14/12/1962, thông qua Đại sư Liên Xô tại Mỹ, Anatoly Dobrynin; Đại sứ Mỹ tại LHQ, Stevenson và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Robert Kennedy, ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Cremli đã có 16 lần bí mật trao đổi thư từ với nhau. Do những bức thư này mới được công bố gần đây, nên ít người biết đến giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng trên biển Caribê.

Ảnh chụp những thùng linh kiện máy bay Il-28 của Liên Xô tại sân bay San Julian ở Cuba ngày 15/10/1962.

Khi đó, việc xác định Il- 28 là loại vũ khí có tính chất như thế nào, dùng vào mục đích gì và có mặt trong phạm vi những loại vũ khí tiến công phải triệt thoái khỏi Cuba đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu của các cuộc tranh luận giữa Khrushchev và Kennedy. Sau khi xem xong bản danh sách những loại vũ khí tiến công do phía Mỹ trao, Khrushchev lập tức viết một bức mật thư gửi cho Kennedy qua Đại sứ quán Liên Xô tại Oasinhtơn. Bức thư sau đó được Đại sứ Dobrynin giao tận tay Robert, rồi lại được Robert chuyển tới Kennedy.

Trong thư, Khrushchev cho rằng việc Mỹ nhân cơ hội Liên Xô dỡ bỏ và vận chuyển tên lửa từ Cuba về nước đưa ra yêu cầu liên quan đến Il-28 là cố ý làm xấu quan hệ Xô- Mỹ và tình hình quốc tế vốn bắt đầu đi theo hướng hoà hoãn bởi đến một người không qua huấn luyện quân sự hay một binh sĩ cũng không thể xếp Il-28 vào phạm trù vũ khí tiến công. Mấy ngày sau, trong một bức mật thư khác gửi Kennedy, Khruschev khẳng định những chiếc Il-28 bố trí ở Cuba đã cũ nát, thuộc loại vũ khí phòng ngự bờ biển tương đối linh hoạt, đều do phi công Liên Xô điều khiển và bảo đảm sẽ không làm tổn hại tới bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, người Mỹ không cho là vậy. Trong bức thư phúc đáp Khrushchev ngày 6/11, Kennedy đa "ca" một bài về thuật ngữ "vũ khí tiến công", kiên trì cho rằng việc rút Il-28 khỏi Cuba la một phần của thoả thuận Mỹ- Xô. Theo Kennedy, thoả thuận này đã ghi rõ: "Tất cả các loại vũ khí có thể dùng vào mục đích tấn công, các loại máy bay có thể được trang bị vũ khí hạt nhân đều tạo ra sự uy hiếp rõ ràng nhất đối với hòa bình và an ninh của châu Mỹ". Trong bức thư này, Kennedy còn tuyên bố sẽ tiến hành giám sát đường không đối với Cuba.

Sự thể đã phát triển tới mức này đã vượt khỏi sự dự liệu của Khrushchev. Vừa căng ra đối phó với Mỹ, Khrushchev vừa phải cố gắng hoàn thành việc dỡ bỏ, vận chuyển về nước số tên lửa trước đó đã bố trí tại Cuba theo đúng thỏa thuận. Đồng thời với việc tuyên bố ủng hô cuộc đấu tranh chống đế quốc của nhân dân Cuba, Khrushchev còn phải thuyết phục Fidel. Ban đầu, Khrushchev định triệt thoái tên lửa khỏi Cuba theo nguyên tắc đối đẳng (Mỹ phải triệt thoái tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng giờ thì "quả bóng" nằm hoàn toàn ở sân Liên Xô. Đứng trước áp lực từ Mỹ và Cuba, Khrushchev buộc phải căng ra "tác chiến" trên hai mặt trận, và cuối cùng chỉ còn cách lùi lại.

Minh Thành (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ sau:Hồi kết của cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 10

Kỳ thực, trong ván cờ tên lửa Cuba, bước đầu, Kennedy đã ghi điểm trước Khrushchev. Tại sao lại nói vậy? Đó là bởi, ông chủ Nhà Trắng chỉ bảo đảm: sau khi Liên Xô rút vũ khí tiến công khỏi Cuba, sẽ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh phong toả và không xâm phạm đảo quốc này...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN