Lời thú tội
Tháng 1 năm 1956, Milam và Bryant quyết định bán câu chuyện của mình trên tạp chí Look với giá 40.000 USD. Nhà báo Writer William Bradford Huie đã phỏng vấn chi tiết về vụ sát hại đẫm máu Emmett Till. Vào ngày 24/1/1956, bài báo được phát hành.
Bà Mamie Till phát biểu trước đám đông biểu tình sau phán quyết trắng án của 2 kẻ tình nghi sát hại con bà. |
Theo lời thú tội của Milam và Bryant, chúng đã bắt cóc Till từ nhà chú Wright vào tối 28/8 bất chấp sự van xin của ông. Sau khi đi lòng vòng vài nơi, chúng quyết định đưa Till đến nhà của Milam, nơi được cho là kín đáo nhất. Tại đó, Milam và Bryant đã lấy súng đánh đập Till không thương tiếc, đến mức rạn sọ và gây tổn thương nghiêm trọng đến mắt và mũi. Nhưng Till tỏ ra rất dũng cảm và không hề than khóc, càng khiến những kẻ thủ ác thêm điên tiết.
Sau đó, chúng đưa cậu bé lên xe tải rồi chạy tới một khu công nghiệp, nơi chúng tìm thấy một chiếc quạt điện đã bị hỏng nặng khoảng 30 kg, sau đó đi tiếp đến hồ Tallahatchie. Đến nơi, Milam rút ra một khẩu súng ngắn bắn thẳng vào đầu Till ngay trên tai trái. Sau đó Milam và Bryant lấy dây thép quấn chiếc quạt quanh cổ cậu bé và ném xuống sông.
Những lời thú nhận về tội ác man rợ nói trên đã gây thêm căm phẫn cho công chúng. Tuy nhiên, do vấn đề pháp lý và sau khi tòa án đã ra phán quyết, nhiều năm sau vụ án vẫn không có gì thay đổi. Milam và Bryant vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật.
Sự đổi thay của những cuộc đời
Sau phiên tòa, chú của Till, ông Moses Wright, đã cùng gia đình chuyển khỏi bang Mississippi do lo ngại về sự an toàn của mình. Ông không bao giờ quay trở lại đó cho tới khi mất vào năm 1960. Bryant cùng vợ quay trở lại kinh doanh tại cửa hàng, nhưng không lâu sau đó cũng phải đóng cửa. Gia đình hắn ta chuyển đến bang Texas và hai vợ chồng ly dị năm 1979. Ryant chết vì ung thư năm 1990. Người anh trai Milam quay trở lại làm nông trại, nhưng không một người da màu nào làm việc cho hắn nữa. Hắn cũng chuyển đến Texas và qua đời năm 1981 do ung thư.
Miamie Till, người mẹ can đảm, thì tiếp tục làm giáo viên tại bang Chicago cho đến khi nghỉ hưu năm 1978. Bà trở thành biểu tượng của phong trào dân quyền trong hàng thập kỷ sau đó. Năm 2003, bà qua đời vì bệnh tim, thọ 81 tuổi. Chưa bao giờ bà quên đi cái chết đầy đau đớn của cậu con trai, nhưng bà luôn biết rằng điều đã xảy ra với Emmett Till sẽ giúp người Mỹ “mở mắt” để thấy được một “bệnh dịch” phân biệt chủng tộc đang tràn lan trên khắp nước Mỹ thời kỳ đó, đồng thời cũng khuấy động phong trào trên thế giới đấu tranh đòi quyền bình đẳng và công bằng chủng tộc. Bà nói: “Mọi người không biết điều tồi tệ gì có thể xảy ra (liên quan đến vấn đề nhân quyền và chủng tộc). Và khi thực tế xảy ra với một đứa trẻ, nó đã tạo được một sự khác biệt cho cả thế giới”.
Cái chết của Emmett Till nhận được sự chú ý của dư luận cả nước Mỹ. Trong số những người được nghe hoặc nhìn thấy trực tiếp hình ảnh thi thể của cậu, có nhiều người cùng thế hệ. Sau này chính thế hệ đó tạo ra những thay đổi rộng lớn trên khắp nước Mỹ, như trường hợp võ sĩ quyền anh huyền thoại gốc Phi Muhammad Ali.
Câu chuyện về cái chết của Emmett Till vào thời điểm đó còn lan đến tận châu Âu, khiến nhiều người lên án về phán quyết bất công của tòa án. Một tờ báo của Pháp có đoạn: “Chưa bao giờ có sự bôi nhọ sự thật tồi tệ như vậy”. Tại Đức, đất nước vừa thay đổi được một thập kỷ sau chế độ phân biệt chủng tộc tồi tệ thời phát xít, đã có một bài xã luận nhận xét: “Cuộc sống của một người da đen tại Mississippi không có giá trị bằng một cái còi”.
Cửa hiệu tạp hóa của Bryant hiện nay đã bỏ hoang. |
Dấu mốc của sự thay đổi cái nhìn đối với vấn đề chủng tộc và nhân quyền là tháng 12/1955, 3 tháng sau vụ sát hại Emmett Till. Câu chuyện diễn ra tại Montgomery, bang Alabama. Một người da màu tên là Rosa Parks, khi đó 42 tuổi, đã từ chối lời đề nghị của người lái xe buýt yêu cầu nhường chỗ cho một hành khách da trắng. Park sau đó cho biết cô không đứng dậy bởi "tôi nghĩ đến Emmett Till". Hành động của bà sau đó đã trở thành biểu tượng của phong trào phản đối phân biệt chủng tộc, dấy lên một cơn gió thay đổi trong lòng xã hội Mỹ.
Emmett Till là 1 trong 40 người đã chết được khắc tên trên đài tưởng niệm quyền dân chủ tại Montgomery, Alabama, khánh thành năm 1989. Năm 1991, một con đường dài 11 km tại Chicago đã được đổi tên thành đường “Emmett Till”. Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Mỹ thập kỷ 1960, bà Myrlie Evers đã chia sẻ: “Bằng một cách nào đó, cái chết và vụ án của Till đã nhóm lên ngọn lửa của sự phẫn nộ, tạo nên sự phản kháng trên khắp thế giới… Chính vụ sát hại cậu bé này đã thu hút sự chú ý của thế giới đến vấn đề chủng tộc tại Mississippi”.
Năm 2007, hạt Tallahatchie nơi cậu bé Till bị sát hại, đã đưa ra một lời xin lỗi chính thức, có đoạn: “Chúng tôi, những công dân của hạt Tallahatchie, đã nhận ra trường hợp của Emmett Till là một sự thất bại của công lý. Chúng tôi tuyên bố thẳng thắn với sự tiếc nuối sâu sắc đến sự thất bại trong mưu cầu công lý. Chúng tôi xin được gửi lời tới gia đình Emmett Till rằng chúng tôi xin lỗi sâu sắc về những điều đã xảy ra tại cộng đồng này với người thân của gia đình”.
Dù vậy, đến nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm trong vụ án của cậu bé Emmett Till.
Hà Linh (tổng hợp)