Vừa đáp chuyến bay từ Wales sang Australia, Brian Robson nhanh chóng nhận ra mình đã mắc sai lầm lớn khi di cư sang lãnh thổ bên kia thế giới.
Thật không may, chàng trai 19 tuổi này không có tiền để trang trải chi phí cho kế hoạch nhập cư cũng như không mua nổi vé máy bay để trở lại quê nhà. Nhận ra không có nhiều sự lựa chọn, Robson đã nảy ra kế hoạch đóng gói bản thân vào thùng hàng và gửi về quê nhà theo đường hàng không.
Giờ đây, hơn 50 năm sau hành trình đầy mạo hiểm, Robson một lần nữa kể lại câu chuyện của mình với hy vọng sẽ giúp anh tìm lại hai người bạn cũ giúp anh đóng thùng hàng và gửi về Anh.
“Lần cuối cùng tôi nói chuyện với John và Paul là khi một trong hai người gõ gõ vào thùng, hỏi tôi có ổn không. Khi tôi trả lời vẫn ổn, họ chúc tôi may mắn và hy vọng sớm gặp lại nhau”, Robson trả lời phỏng vấn CNN Travel.
Ý tưởng táo bạo
Một năm trước khi quyết định tự đóng gói bản thân gửi về nước, Robson là một nhân viên phụ xe buýt ở Wales. Anh tìm được một công việc khác tại công ty đường sắt Victorian Railways – nhà điều hành chính tuyến đường sắt tại bang Victoria (Australia) lúc bấy giờ.
Ngay sau sinh nhật 19 tuổi, Robson mua vé máy bay sang Australia với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, khi đến Melbourne và nhận việc, Robson thấy rằng điều kiện sống tại đây quá khổ và quyết định về nước. Anh làm việc cho công ty đường sắt khoảng 6-7 tháng, sau đó chuyển sang làm công nhân nhà máy giấy.
Mặc dù mong muốn trở về quê hương song Robson gặp khó khăn về tài chính, khi chính phủ Australia yêu cầu anh hoàn trả phí hỗ trợ đưa anh sang đây cũng như anh cần tiền để bay về nhà.
“Chi phí rơi vào khoảng 960 USD đến hơn 1.000 USD. Nhưng mỗi tuần tôi chỉ kiếm được 41 USD. Điều đó là không thể”, Robson tính toán.
Robson gặp hai người bạn John và Paul khi đang trên đường trở về nhà trọ. Cả ba nhanh chóng trở nên thân thiết. Khi họ tới tham dự một triển lãm thương mại, họ nhìn thấy một gian hàng của công ty vận chuyển Pickfords có trụ sở tại Anh với lời quảng cáo: “Chúng tôi có thể giao bất kỳ thứ gì, tới bất kỳ nơi đâu”.
Lời quảng cáo đó đã khiến Robson nảy ra ý tưởng mạo hiểm. Ngay ngày hôm sau, Robson tới văn phòng của hãng hàng không Qantas Airlines tại Melbourne để tìm quy trình gửi một kiện hàng ra nước ngoài. Anh cẩn thận ghi chú kích thước và trọng lượng kiện hàng cho phép, cũng như các giấy tờ cần thiết và phí gửi.
Sau khi có đủ thông tin, Robson quay trở về nhà trọ và bàn bạc với hai người bạn. Họ mất ít nhất 1 tháng để chuẩn bị mọi thứ. Cả ba mua một chiếc thùng gỗ với kích thước 76 x 66 x 96 cm nhằm đảm bảo bên trong thùng có đủ chỗ chứa cả Robson và vali.
Robson mang theo một cái gối, một chiếc đèn pin, một chai nước, một chai đựng nước tiểu và một cái búa nhỏ để mở thùng hàng khi anh đến London. Cả ba còn tập dượt trước một lần trước khi chính thức đóng kiện Robson gửi về Anh.
Hành trình đầy đau đớn
“10 phút đầu tiên ngồi trong thùng khá ổn. Nhưng đầu gối của tôi bắt đầu co cứng lại khi bị ép chặt vào ngực”, Robson hồi tưởng. Kiện hàng mang theo Robson được đưa lên máy bay chỉ vài giờ sau khi anh ta đến sân bay.
Hành trình đầu tiên về nước Anh của Robson là chuyến bay kéo dài 90 phút từ Melbourne tới Sydney. Tuy nhiên, Robson đã cảm thấy cực kỳ đau đớn.
Khi kiện hàng được đưa tới Sydney, các nhân viên đã đặt ngược lên đường băng. "Tôi lộn ngược trên cổ và đầu trong suốt 22 giờ đồng hồ quá cảnh”, Robson miêu tả.
Do hết chỗ nhận hàng trên máy bay Qantas tới London, thùng hàng của Robson đã phải lên một máy bay khác sang Los Angeles (Mỹ) và hành trình bị kéo dài thêm.
“Chuyến bay này mất khoảng 5 ngày. Tôi không thể chịu được thêm đau đớn nữa và không thể thở bình thường. Tôi chìm dần vào giấc ngủ và bất tỉnh”, Robson kể lại bản thân đã bị giam cầm trong bóng tối của chiếc hộp và vật lộn với những cơn đau, cơn ảo giác. “Đã có lúc tôi cảm giác như mình sắp chết vậy. Chỉ muốn mọi thứ xảy ra thật nhanh”.
Khi chiếc máy bay hạ cánh xuống điểm đến cuối cùng, Robson chờ đến đêm để dùng búa gỡ đinh ra khỏi hộp và thoát thân. Tuy nhiên, kế hoạch của anh không trót lọt vì hai người làm việc tại sân bay đã phát hiện có ánh sáng phát ra từ trong thùng hàng.
“Những người đó hẳn rất kinh ngạc. Một người cứ hét lớn có người ở đây. Tôi không thể trả lời. Tôi không thể nói cũng như cử động được”, Robson nhận ra mình ở Mỹ vì giọng nói của hai nhân viên kia.
Sau khi xác nhận người trong thùng hàng còn sống và không gây bất kỳ mối đe dọa, các nhân viên sân bay đã tức tốc đưa Robson đến bệnh viện. Anh chàng mất ít nhất 6 ngày trong bệnh viện để hồi phục.
Mặc dù Robson tới Mỹ một cách bất hợp pháp song không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào. Thậm chí Robson còn được sắp xếp chuyến bay về London trên ghế hạng nhất.
Giới truyền thông săn đón ngay khi Robson xuống sân bay London vào ngày 18/5/1965. Robson kể gia đình mình thấy rất hạnh phúc khi con trai quay trở về nhưng họ không hài lòng với những việc mà anh đã làm.
Những tháng ngày sau đó, Robson luôn ám ảnh về khoảng thời gian ở trong thùng hàng và tội lỗi với hai người bạn của mình. Robson không hề nghĩ đến trường hợp nếu anh tử vong trên chuyến đi đó, hai người bạn của anh sẽ phải đối mặt với tội danh hình sự.
Giờ đây, khi đã là một ông lão 76 tuổi, Robson muốn gặp lại hai người bạn và gửi lời xin lỗi tới họ.