Ví dụ về các bộ phim sinh đôi có thể kể tới như: “Deep Impact” và “Armageddon” - hai bộ phim phát hành cách nhau vài tuần đều nói về việc giải cứu thế giới khỏi bị thiên thạch khổng lồ đâm vào; “A Bug’s Life” và “Antz” – hai bộ phim hoạt hình về cuộc nổi loạn của kiến nhằm vào tổ ong; “Dante’s Inferno” và “Volcano” –hai phim đều nói về thảm họa núi lửa phun trào. Các phim này đều phát hành trong năm 1997 và 1998.
Nếu đây là hiện tượng phim thời hiện đại, có thể ta sẽ nghĩ rằng kịch bản phim giống nhau là do Hollywood hết ý tưởng. Tuy nhiên, phim sinh đôi đã xuất hiện từ khi có ngành điện ảnh.
Có nhiều lý do khiến hai bộ phim lại na ná nhau, từ việc cố tình do thám lẫn nhau cho tới tình cờ trùng hợp. Ví dụ như với phim “Gone With the Wind” (Cuốn theo chiều gió), một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại, cũng là một trong những phim sinh đôi đáng lưu ý nhất trong lịch sử điện ảnh.
Trong trường hợp này, nữ diễn viên nổi tiếng Bette Davis không giành được vai Scarlett O’Hara trong phim do hãng MGM sản xuất. Trong khi đó, do muốn làm một phim riêng về nội chiến Mỹ, hãng Warner Brothers đã mua bản quyền vở kịch “Jezebel” của sân khấu Broadway. Vở kịch này cũng có nội dung như “Cuốn theo chiều gió”, nói về một phụ nữ miền Nam nước Mỹ tính cách độc lập thời nội chiến. Sau đó, Warner Brothers đã mời Davis vào vai chính và sản xuất phim càng nhanh càng tốt để ra mắt trước “Cuốn theo chiều gió”.
Họ thành công khi bộ phim “Jezebel” thu hút khán giả và Davis còn giành giải Oscar nhờ vai diễn trong phim. Tuy nhiên, dù “Jezebel” được đón nhận nồng nhiệt nhưng nó nhanh chóng bị “Cuốn theo chiều gió” làm lu mờ. Phim này đạt kỷ lục về số đề cử và giải thưởng, bán được 25 triệu vé từ năm 1939 đến 1940 và sau đó còn được phát hành lại năm 1941 và 1942, nâng tổng số vé lên 60 triệu. Đây là bộ phim có doanh số cao nhất tới thời điểm đó.
Các cặp phim sinh đôi khác thường xuất hiện do mưu đồ của đối thủ cạnh tranh mà điển hình là cặp phim “Deep Impact” và Armageddon”. Phim “Armageddon” được bí mật sản xuất chỉ vài tuần sau khi phim “Deep Impact” được thông báo. Đôi bên có kiện tụng nhau nhưng cuối cùng không giải quyết được gì.
Với cặp phim “Antz” và “A Bug’s Life” thì có đồn đoán rằng Jeffrey Katzenberg, Giám đốc điều hành hãng Dreamworks, đã ăn cắp ý tưởng để làm phim “Antz” từ hãng Disney. Trước khi làm cho Dreamworks, Katzenberg đã làm cho Disney và khi ông ta đổi chỗ làm việc, ông ta đã lấy luôn ý tưởng mà Disney đang xây dựng để làm phim về loài kiến. Dù vậy, tất cả chỉ là đồn đoán và không rõ bên nào có ý tưởng trước.
Một lý do nữa làm xuất hiện phim sinh đôi là thời điểm của một số sự kiện. Năm 1992, Hollywood quyết định phát hành hai bộ phim cạnh tranh lẫn nhau, nói về cuộc đời của Christopher Columbus. Hai bộ phim “1492: Conquest of Paradise” và “Christopher Columbus: The Discovery” đều ra mắt nhân kỷ niệm 500 năm ngày tìm ra châu Mỹ.
Phim sinh đôi cũng có thể xuất hiện do các hãng phim đều muốn làm phim về các chủ đề phổ biến hoặc đang sốt tại thời điểm đó, chứ không nhất thiết là do biết đối thủ đang làm về chủ đề đó nên làm theo để cạnh tranh. Một số phim sinh đôi thuộc trường hợp này là “The Truman Show” và “Edtv” phát hành năm 1998 và 1999. Cả hai đều nói về chủ đề hấp dẫn thời đó là truyền hình thực tế mới xuất hiện.
Các hãng phim cũng chú ý tới thể loại phim hấp dẫn khán giả tại một thời điểm nào đó và tìm cách sản xuất phim theo xu hướng để hốt bạc. Ví dụ điển hình là năm 1979 có tới 5 phim khác nhau về Dracula được phát hành. Phim nổi bật nhất là “Nosferatu the Vampyre” và “Dracula” – cả hai đều dựa trên kiệt tác của Bram Stoker.
Do vậy, trong một ngành mà cái tôi và tâm lý tự đề cao được coi trọng, ngay cả khi các hãng phim biết rằng đối thủ đang định phát hành một bộ phim có kịch bản gần giống hệt, thì họ cũng hiếm khi lùi lại và làm phim theo hướng khác. Đó là lý do chính quá nhiều phim sinh đôi được phát hành quá gần nhau.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ đáng chú ý. Đó là phim “The Towering Inferno” năm 1974. Bộ phim này bắt nguồn từ hai dự án khác nhau của hãng Warner Bros và Twentieth Century Fox. Sau khi bị Warner Bros vượt mặt và mua được quyền cuốn tiểu thuyết về tòa nhà chọc trời bị cháy “The Tower”, hãng Fox tìm cách mua bản quyền một cuốn sách với cốt truyện gần y hệt là “The Glass Inferno”.
Cả hai hãng phim đều chuẩn bị làm bộ phim của riêng mình với các diễn viên nổi tiếng. Warner Bros mời Paul Newman đóng vai chính, còn Fox mời Steve McQueen. Tuy nhiên, trước khi sản xuất, nhà sản xuất Irwin Allen thuyết phục lãnh đạo hai hãng phim là sẽ không có hãng nào thắng nếu họ định cạnh tranh nhau tại rạp chiếu phim. Thay vào đó, ông đề xuất họ kết hợp nguồn lực để làm một bộ phim siêu hoành tráng. Kết hợp với nhau sẽ tăng doanh thu và giảm chi phí cho cả hai hãng phim mà còn giúp họ mời được cả Newman và McQueen cùng đóng.
Hai hãng phim đồng ý và vạch ra các điều khoản hợp tác. Về tiêu đề phim, hai hãng chọn tên “The Towering Inferno”. Cuối cùng, bộ phim gây tiếng vang lớn, đạt doanh thu gấp 10 lần ngân sách sản xuất, được đề cử 8 giải Oscars và giành 3 giải.
Tất nhiên, phim sinh đôi vẫn phổ biến những ngày nay như cách đây vài chục năm. Chỉ trong năm 2017, chúng ta có các bộ phim tiểu sử cạnh tranh nhau về cố Thủ tướng Anh Winston Churchill (phim “Churchill” và “Darkest Hour”) và đạo diễn Tommy Wiseau (phim “The Disaster Artist” và “Best F(r)iends)”.
Năm 2018 và 2019 có một loạt phim sinh đôi: “Smallfoot” và “Abominable” về người tuyết liên lạc lần đầu tiên với con người và đều lấy bối cảnh ở Himalaya; phim “Puppet Master: The Littlest Reich” và “The Happytime Murders” đều về con rối; phim “A Quiet Place” và “The Silence” về con người bị sinh vật lạ tấn công; phim “Fyre Fraud” và “Fyre” đều về lễ hội Fyre…
Trong tương lai, dường như phim sinh đôi sẽ vẫn là xu hướng trong ngành điện ảnh.