Người phụ nữ có ý chí mãnh liệt, sống sót kỳ diệu trên đảo Bắc Cực - Kỳ 1

Ngày 16/9/1921, Ada Blackjack nhìn 4 người đàn ông da trắng cắm cờ Anh trên bờ hòn đảo hẻo lánh ở Siberia. Nhóm người này do Vilhjalmur Stefansson, nhà thám hiểm Canada cử đi để biến đảo Wrangel thành thuộc địa của Đế quốc Anh. Hòn đảo này nằm ngoài khơi, cách Siberia 140km.

Kỳ 1: Sinh tồn nơi đảo hoang

Với ông Vilhjalmur, hòn đảo này không chỉ là địa điểm chính để săn hải mã lấy lông mà đây còn là một địa điểm tiềm năng để xây căn cứ không quân trong tương lai. Nhờ đó, ông nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng hơn trong cuộc tìm kiếm lục địa phía Bắc mà ông cho là có tồn tại. Với những nhà thám hiểm trẻ tuổi thích mạo hiểm được Vilhjalmur tuyển vào đội, được tham gia vào sứ mệnh như vậy là điều quá tuyệt vời không thể từ chối.

Kế hoạch của đội là ở hòn đảo này khoảng 2 năm và sẽ có tàu tiếp tế tới sau một năm. Ada, một phụ nữ người Inuit 23 tuổi sẽ là thợ may cho đội, chịu trách nhiệm may quần áo lông, giúp họ chống chọi với nhiệt độ thấp ở Bắc Cực.

Vấn đề duy nhất là cô không muốn tới đó, nhưng đã quá muộn. Đằng sau cô, con tàu chở họ tới đây đã rời đi ra xa phía chân trời, khiến cô nước mắt lưng tròng.

Trong cuốn sách “Cuộc phiêu lưu tới đảo Wrangel” của ông Vilhjalmur, xuất bản năm 1925, tức 4 năm sau cuộc phiêu lưu, Ada kể lại: “Khi chúng tôi tới đảo Wrangel, mảnh đất này quá đỗi rộng lớn với tôi, nhưng họ bảo nó chỉ là hòn đảo nhỏ. Lúc đầu tôi nghĩ tôi sẽ quay về, nhưng sau tôi lại thấy thế là không công bằng với nhóm đàn ông”.

Cuộc đời nghèo đói

Ada sinh năm 1898 ở khu vực của người bản địa Inuit là Spruce Creek, tây bắc Alaska. Đây là năm diễn ra cơn sốt đào vàng ở Alaska. Khi người ta tìm thấy vàng ở làng Solomon gần đó, cách phía tây Spruce Creek 13km, khu vực này chứng kiến hàng nghìn người từ khắp nước Mỹ đổ về đây. Cơ sở hạ tầng như đường sắt và đường điện thoại được xây dựng, nhưng khi trải qua trận bão năm 1913, đường sắt bị hư hỏng và khi cơn sốt vàng trôi qua, Solomon lại trở thành ngôi làng của người Inuit như trước. Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha quét qua đây, khiến quá nửa trong số 62 cư dân Solomon thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Chân dung Ada Blackjack. Ảnh: Creative Commons

Gia đình Ada cũng có bi kịch riêng. Khi cô lên 8 tuổi, cha cô chết sau khi ăn thịt hỏng. Sau khi cha chết, mẹ cô gửi cô tới một trường học của Hội giám lý do các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo ở Nome điều hành. Nome cũng là một thị trấn diễn ra cơn sốt vàng. Tại đây, Ada học đọc tiếng Anh, khâu vá và nấu đồ ăn của người da trắng. Những ngôi trường kiểu này thường tách trẻ em bản địa khỏi gia đình, cộng đồng và văn hóa của các em, phạt nếu các em nói ngôn ngữ và thực hành tín ngưỡng bản địa.

Khi 16 tuổi, Ada kết hôn với người điều khiển chó trong vùng là Jack Blackjack và họ sống cùng nhau trên bán đảo Seward, cách Nome 64km. Họ có ba con, nhưng chỉ có một đứa còn sống. Theo một cuốn sách về cuộc đời Ada, cô bị chồng đánh đập và bỏ đói. Năm 1921, khi Ada 22 tuổi, Jack đã bỏ rơi vợ. Đói khát, cô cùng đứa con trai Bennett 5 tuổi lúc đó mắc bệnh lao đi bộ từ bán đảo Seward về Nome. Khi con trai không thể đi bộ, Ada đã bế con.

Mặc dù Nome từng là nơi ở lớn nhất của dân đào vàng tại Alaska tại thời kỳ đỉnh điểm cơn sốt vàng năm 1900, nhưng tới năm 1920, dân số ở Nome đã giảm từ 12.488 xuống còn 852. Năm 1921, Nome là khu vực hỗn loạn, bạo lực, u ám. Không có đường thoát nước thải, không có cống rãnh, không có nước uống an toàn và tội phạm tràn lan.

Sau khi trở lại Nome, Ada buộc phải bỏ con trai ở trại mồ côi vì cô không thể nào đủ tiền nuôi con bằng khoản thu nhập ít ỏi kiếm từ việc khâu vá và giúp việc. Khoảng thời gian này, đội thám hiểm tới Nome để tìm một thợ may biết nói tiếng Anh. Ngay lập tức, cảnh sát trưởng địa phương đề xuất Ada.

Đề nghị của nhóm khiến Ada không vui vì cô không muốn bỏ lại con trai đang ốm yếu. Cô cũng không muốn trở thành người Inuit duy nhất trong chuyến đi, nhưng nhóm thám hiểm nhất quyết muốn cô đi và đảm bảo sẽ có các gia đình Inuit khác cũng đi cùng cô. Các chuyến thám hiểm này thường cần người Inuit giàu kinh nghiệm về vùng đất và khả năng săn bắn – điều quan trọng trong cuộc sinh tồn ở vùng địa cực. Nếu Ada đi, họ hứa trả 50 USD/tháng, lớn hơn rất nhiều số tiền mà cô kiếm được ở Nome và đủ để chữa bệnh cho con trai.

Ngày 9/9/1921, bốn thành viên nhóm thám hiểm đảo Wrangel đã sẵn sàng nhổ neo rời Nome, bắt đầu hành trình 1.000km kéo dài một tuần. Nhóm gồm Allan Crawford 20 tuổi người Canada và là nhóm trưởng, Lorne Knight và Fred Maurer 28 tuổi người Mỹ và Milton Galle 19 tuổi người Mỹ.

Ada tới cảng và nhận thấy không có gia đình Inuit nào xuất hiện. Nhóm thám hiểu trấn an cô rằng họ sẽ thuê vài gia đình trên đường đi, nhưng khi họ tới đảo Wrangel một tuần sau, Ada là người Inuit duy nhất trong nhóm và cũng là phụ nữ duy nhất. Những lá thư nhóm thám hiểm gửi về nhà theo chân thuyền trưởng tàu trở lại Nome.

Vùng đất lạnh giá

Chú thích ảnh
Ada và nhóm thám hiểm trên đảo Wrangel. Ảnh: Creative Commons

Nằm cách bờ biển đông bắc Siberia 140km, giáp với Đông Siberia và Biển Chukchi, đảo Wrangel là một hòn đảo hẻo lánh điển hình. Trong chuyến thăm ngắn năm 1881, nhà tự nhiên học John Muir đã tả hòn đảo là một nơi cô lập hoàn toàn, lạnh giá kinh người. Cách đây 4.000 năm, Wrangel là một trong những nơi sinh sống cuối cùng của loài voi ma mút đã tuyệt chủng.

Lúc nhóm thám hiểm của ông Vilhjalmur tới đảo là mùa hè, mặc dù nhiệt độ chỉ trên mức đóng băng một chút. Gió rét len lỏi qua qua đám cây bụi điểm những bông hoa màu hồng kiên cường bám trụ nơi địa hình đá sỏi. Trong nhóm, có một người đã từng tới đây. Năm 1913, Fred đã đi cùng ông Vilhjalmur trong chuyến hành trình Karluk thất bại khi mà 11 nhà thám hiểm thiệt mạng do tàu chìm, chỉ còn hai người trôi giạt theo tảng băng. Fred biết chẳng bao lâu nữa khi mùa đông tới, thời tiết sẽ khắc nghiệt thế nào.

Cả nhóm làm việc suốt 16 tiếng liền để dựng ba cái trại, gồm một trại để ở và hai trại để đồ ăn. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện ra rằng đồ ăn để họ dùng trong 6 tháng đã không còn như ban đầu. Một số thực phẩm đã hỏng. Bảy con chó họ mua ở Nome đều gầy gò, thiếu ăn. Dù vậy, không ai quá lo lắng vì ông Vilhjalmur nói rằng “Bắc Cực thân thiện” sẽ có mọi thứ họ cần. Ông Vilhjalmur không hề nghĩ tới việc không ai trong nhóm biết cách dùng súng.

Khi dựng trại xong, nhóm thám hiểm dành vài ngày khám phá hòn đảo, thực hiện nhiệm vụ khoa học và nghiên cứu cuộc sống hoang dã, ghi chép mọi thứ trong nhật ký. Trong khi đó, Ada khâu vá, nấu nướng, dọn dẹp và xử lý da động vật. Ada cảm thấy cô độc và sợ hãi một người trong nhóm là Lorne – người đặc biệt to lớn và chỉ gọi cô là “người phụ nữ đó”.

Tuy nhiên, vài tuần trôi qua, nhóm thám hiểm bắt đầu gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau trong điều kiện ngày càng khắc nghiệt. Trong một bức chân dung vẽ nhóm thám hiểm, các thành viên quây quần bên nhau và con mèo Vic của nhóm ngồi gọn trong lòng Milton.

Chú thích ảnh
Ada xem Allan Crawford bơm các túi da. Ảnh: Thư viện Đại học Dartmouth

Ngày 21/11/1921, Mặt Trời lặn phía đường chân trời, báo hiệu đêm đen lạnh giá. Mãi tới ngày 20/1/1922, Mặt Trời mới xuất hiện trở lại, có nghĩa là cả nhóm thám hiểm phải đối mặt với 61 ngày tối tăm. Bóng tối là một chuyện, nhưng điều quan trọng hơn là giờ đây, nhiệt độ xuống sâu, khoảng -48 đến -56 độ C, trong khi nguồn thực phẩm đang nhanh chóng cạn dần.

Nhóm thám hiểm tìm cách săn thú nhưng con thuyền họ mua trước khi đi đã bị bão cuốn trôi trên tàu. Không có thuyền, họ phải thử săn thú bằng bẫy và sống sót nhờ những con cáo, cá, chim và hải cẩu mà thỉnh thoảng họ bắt được. Có lúc, họ bắt được cả gấu Bắc Cực vốn sinh sống nhiều trên đảo.

Đó là một mùa đông khắc nghiệt, bão hoành hành liên tục trên đảo và khiến cả nhóm gần như không thể đi săn. Tuy nhiên, họ vẫn gắng đón lễ Giáng sinh và Năm mới với tinh thần khá tốt và thoải mái.

Trong khi đó, ông Vilhjalmur đã phá sản và ông khẩn cấp kêu gọi chính phủ Canada hỗ trợ tài chính cho nhóm thám hiểm. Tuy nhiên, lòng tin vào nhà thám hiểm đã phai nhạt từ chuyến đi thảm họa Karluk năm 1913. Không chỉ chính phủ Canada không muốn giúp ông mà cả người Anh giờ cũng không quan tâm tới việc thuộc địa hóa đảo Wrangel.

Ông Vilhjalmur biết trừ khi mình hành động nhanh, nếu không sẽ không thể nào vượt qua lớp băng tuyết đang dầy lên, có nghĩa là cả nhóm thám hiểm sẽ mắc kẹt trên đảo.

Đón đọc kỳ cuối: Sự kiên cường của người phụ nữ

Thùy Dương/Báo Tin tức
Người phụ nữ có ý chí mãnh liệt, sống sót kỳ diệu trên đảo Bắc Cực - Kỳ cuối
Người phụ nữ có ý chí mãnh liệt, sống sót kỳ diệu trên đảo Bắc Cực - Kỳ cuối

Trong khi đó, trên hòn đảo Wrangel, vài tháng đã trôi qua và đồ ăn đã gần hết, Ada và 4 người đàn ông chờ nhóm giải cứu tới theo kế hoạch vào mùa hè năm 1922. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN