Pet Airways
Pet Airways được thành lập năm 2009 tại Delray Beach, Florida và dành riêng cho các loài thú cưng như chó, mèo. Những vật nuôi này thường bay không có chủ nhân đi kèm. Khoang chính trong máy bay của Pet Airways được chỉnh sửa. Chỗ ngồi bị tháo dỡ, thay bằng lồng vận chuyển động vật.
Mỗi máy bay chỉ chở theo khoảng 50 thú nuôi. Cứ 15 phút, các tiếp viên sẽ kiểm tra thú cưng. Trước khi cất cánh, các thú cưng được dắt đi dạo và cho đi vệ sinh.
Ý tưởng của Pet Airways là thú cưng sẽ an toàn hơn khi bay với hãng thay vì để trong khoang hành lý khi di chuyển cùng chủ nhân trên máy bay thương mại.
Pet Airways hoạt động trong 2 năm, với các điểm đến và đi ở nhiều thành phố Mỹ trong đó có New York, Los Angeles, Denver, Chicago và Atlanta. Giá vé khởi điểm là 150 USD và cao nhất là 1.200 USD dựa trên kích thước của thú cưng.
Vào năm 2012, Pet Airways gặp vấn đề tài chính sau đó ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm sau. Trong quá trình hoạt động, Pet Airways đã vận chuyển được khoảng 9.000 thú cưng.
Smokers Express & SmintAir
FAA cấm hút thuốc trên mọi chuyến bay nội địa Mỹ từ năm 1990, nhưng hai doanh nhân William Walts và George Richardson lại không hài lòng với điều này. Vào đầu năm 1993, họ quyết định thành lập một hãng hàng không dựa trên câu lạc bộ tư nhân với yêu cầu phí thành viên là 25 USD và chỉ mở cho người trên 21 tuổi.
Kế hoạch ban đầu là hãng hàng không sẽ phục vụ bít tết và burger trong khoang kèm thuốc lá miễn phí. Nhưng sau 1 năm công bố, hãng hàng không này vẫn không nhận được cấp phép hoặc sở hữu máy bay.
Năm 2006, doanh nhân người Đức Alexander Schoppmann lại hồi sinh ý tưởng phục vụ thuốc lá trên máy bay và tuyên bố sẽ thành lập SmintAir. Ông Alexander Schoppmann muốn lập đường bay hàng ngày giữa Tokyo và Dusseldorf. Tuy nhiên, SmintAir chịu chung số phận với Smokers Express khi không huy động được vốn để hoạt động và máy bay của hãng cũng chưa bao giờ cất cánh.
The Lord's Airline
Doanh nhân Ari Marshall đã thành lập The Lord's Airline vào năm 1985 khi ông mua chiếc DC-8 đã cũ và là máy bay duy nhất của hãng.
The Lord's Airline đặt quy định không sử dụng rượu trong khoang, tạp chí hàng không sẽ được thay bằng quyển kinh thánh, chỉ có phim tôn giáo được trình chiếu trên máy bay và 1/4 giá vé sẽ được dành cho các hoạt động truyền giáo.
Dự định ban đầu là có 3 chuyến bay mỗi tuần từ Miami (Mỹ) đến sân bay Ben Gurion ở Israel. Tuy nhiên, đến năm 1987, The Lord's Airline không đạt tiêu chuẩn để nhận giấy phép của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Hãng hàng không này cuối cùng bị “xóa sổ” và máy bay DC-8 cũng bị phá hủy.
MGM Grand Air
Được ra mắt năm 1987, MGM Grand Air dự kiến là hãng hàng không siêu cao cấp chỉ có khoang hạng nhất và hoạt động duy nhất trên tuyến bay từ Los Angeles đến New York bằng phi cơ Boeing 727 và Douglas DC-8. Quy định của MGM Grand Air là mỗi chuyến bay không nhận hơn 33 hành khách mặc dù các phi cơ của hãng có thể chở đến hơn 100 người.
MGM Grand Air cam kết không có xếp hàng, chờ đợi và làm thủ tục. Thay vào đó, có nhân viên khuân vác đưa hành lý lên xuống máy bay, ngoài ra còn có dịch vụ xe limousine đưa đón tận nơi. Các phòng chờ đặc biệt ở cả hai sân bay đều có tiện nghi sang trọng và dịch vụ trợ giúp đặc biệt.
Trong khoang máy bay, có 5 tiếp viên cùng khu vực riêng dành cho hội họp. MGM Grand Air cho biết giá vé của hãng sẽ tương đương với giá vé khoang hạng nhất của các hãng hàng không khác. MGM Grand Air sau đó mở thêm nhiều chặng bay nhưng gặp khó khăn trong thu hút hành khách.
Hoạt động của MGM Grand Air "giảm tốc" trong thập niên 1990 khi các máy bay tư nhân trở nên phổ biến hơn. Đến năm 1995, MGM Grand Air bị bán và chuyển tên thành Champion Air chuyên thực hiện các chuyên bay thuê dành cho đội thể thao cùng cơ quan chính phủ. Hãng hàng không này đóng cửa hoàn toàn vào năm 2008.