Thượng tướng Vũ Lăng tên thật là Đỗ Đức Liêm, sinh ngày 4/8/1921, tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng.
Chân dung Thượng tướng Vũ Lăng. |
Cách mạng tháng Tám thành công, Vũ Lăng là một trong những chiến sĩ Nam tiến đầu tiên chiến đấu ở mặt trận Nha Trang-Ninh Hòa, ông được cử làm chỉ đạo viên trung đội, rồi Phó ban huấn luyện khu 6, Phó ủy viên quân sự Ninh Hòa.
Vào ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Vũ Lăng là quyết tử quân của Trung đoàn Thủ đô, tham gia chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ.
Trưởng thành trong chiến đấu, ông lần lượt qua các cấp chỉ huy đại đội, rồi tiểu đoàn trong Trung đoàn Thủ Đô oanh liệt, ông luôn gương mẫu, lãnh đạo anh em, một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Tài chỉ huy của ông thể hiện rõ trong những trận đánh nổi tiếng nhất ở mặt trận Hà Nội như trận nhà Xô-va (nay là trường tiểu học Nguyễn Huệ, phố Hàng Tre) và Trường Ke (trường tiểu học Trần Nhật Duật, phố Chợ Gạo)... và ông cũng là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa 3.000 đồng bào bí mật vượt qua chân cầu Long Biên thoát ra vùng tự do.
Ngày 14/1/1947, tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng), Vũ Lăng đã vinh dự đại diện cho những người lính tình nguyện tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trong trận chiến đấu ở đồi C1 tại Điện Biên Phủ năm 1954, Trung đoàn 98, đại đoàn 316 do Vũ Lăng chỉ huy, là một trong các Trung đoàn chủ lực, ông đã chỉ huy Trung đoàn từ chiến hào xông lên đánh giáp lá cà với quân Pháp. Tiếng thét xung phong của ông đã khiến cho viên chỉ huy Pháp khựng lại, tạo điều kiện cho quân ta xông lên tiêu diệt địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch.
Hòa bình lập lại, đầu năm 1956 ông được cử đi học tập tại Học viện cao cấp Bộ Tổng tham mưu (Liên Xô) mang tên Vô-rô-xi-lốp. Ông đã cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và trở về nước cuối năm 1959 và được cử làm Cục phó Cục Nghiên cứu khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, trên các cương vị công tác khác nhau, lúc ở cơ quan tham mưu chiến lược, khi ở các bộ tư lệnh chiến trường, ông luôn thể hiện là một cán bộ quân sự có năng lực tư duy sáng tạo, nhạy bén trong tổ chức chỉ huy và tính quyết đoán chịu trách nhiệm cao trước tập thể, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1965-1967), được Bộ Quốc phòng điều động về làm Phó tư lệnh Quân khu 4. Ông đã cùng với tập thể Bộ tư lệnh quân khu xây dựng phương án tác chiến, đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, đánh thắng máy bay và tàu chiến Mỹ. Bên cạnh đó, ông còn cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đào tạo được nhiều cán bộ chỉ huy bổ sung cho chiến trường miền Nam.
Thực hiện chủ trương về kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy cao cấp trong quân đội và chuẩn bị các phương án tác chiến với quân Mỹ, cuối năm 1967 ông chuyển về Bộ Quốc phòng và được cử làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục tác chiến.
Trên cương vị công tác ở cơ quan tham mưu chiến lược, với tư duy khoa học, năng động, sáng tạo quyết đoán và dầy dặn kinh nghiệm, ông đã đầu tư trí tuệ và có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng các phương án tác chiến, góp phần vào thắng lợi lớn của quân đội ta trên hai miền Nam Bắc.
Năm 1974, theo yêu cầu của chiến trường, Vũ Lăng được cử vào giữ chức Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên. Cùng với tập thể Đảng ủy Bộ Tư lệnh mặt trận, ông đã triệt để chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương, phát huy tính sáng tạo của mình cùng lãnh đạo mặt trận đề xuất ý kiến với Bộ Quốc phòng và tiến hành tốt nhất công tác chuẩn bị và chỉ huy trận mở màn then chốt quyết định Buôn Ma Thuột.
Tháng 3-1975, ông là Phó tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và Tư lệnh binh đoàn Tây Nguyên. Ở cương vị mới trên chiến trường ông luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, các chỉ thị mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên, giữ vững tính nguyên tắc của Đảng, cùng tập thể đơn vị xây dựng phương án tác chiến tối ưu, chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 do ông làm Tư lệnh nhận mũi nhọn đột kích chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đường 22, đồng thời thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của quân đội ngụy tại Sài Gòn, đã góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1977, trên cương vị mới là Viện trưởng và Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân, ông đã cùng Đảng ủy và Ban Giám hiệu Học viện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng học viện đi vào nền nếp và ngày càng vững mạnh về mọi mặt.
Với kinh nghiệm về xây dựng quân đội đã tích lũy được trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu đào tạo, bổ túc cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn và phát triển khoa học quân sự. Ông chỉ đạo biên soạn một hệ thống tài liệu với khối lượng lớn, đáp ứng kịp thời đầy đủ cho công tác huấn luyện của 8 chuyên ngành binh chủng lục quân. Những tài liệu được Hội đồng khoa học Học viện thông qua, nhiều ý kiến đóng góp và kết luận rất sâu sắc của ông đã góp phần quan trọng trong nghiên cứu, giảng dạy ở Học viện và trong các nhà trường Quân đội.
Trong suốt những năm công tác tại Học viện Lục quân, ông đã đem hết khả năng, trí tuệ của mình để cùng với Ban Giám đốc Học viện triển khai nghiên cứu thành công nhiều công trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng có giá trị cao góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Cuộc đời binh nghiệp của ông dài 43 năm, với nhiều chiến công hiển hách, ông được Nhà nước phong quân hàm Thượng tướng (1986), học hàm Giáo sư khoa học quân sự đợt đầu tiên trong quân đội và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba…
Dáng người tầm thước, nước da trắng và bộ râu quai nón, Thượng tướng Vũ Lăng còn là nguyên mẫu của nhân vật Văn Việt trong tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.