Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng 450.000 tù binh chiến tranh Đức đã bị giam giữ tại 700 nhà tù trên khắp nước Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, những tù binh này được hồi hương về Đức - ngoại trừ 7 người trốn thoát và biến mất trong những vùng đất bao la của nước Mỹ. Sáu người bị bắt lại, và chỉ còn một tù binh lẩn trốn kỹ đến mức anh ta đã trải qua một cuộc đời bí mật và yên ổn trong suốt 40 năm.
Nhưng làm thế nào anh ta có thể sống một cuộc đời hai mặt quá lâu như vậy, lẩn trốn được sự truy nã của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan chính phủ khác trong 4 thập kỷ?
Georg M. Gärtner sinh ra ở Schweidnitz, Hạ Silesia (hiện nay thuộc Ba Lan) vào tháng 12/1920. Anh là một vận động viên tài năng, nhà vô địch trượt tuyết, và một sinh viên ngôi sao. Gärtner mơ ước trở thành một kiến trúc sư, nhưng căn bệnh bạch hầu nghiêm trọng mà anh mắc phải vào năm 15 tuổi đã chấm dứt giấc mơ đó.
Bệnh bạch hầu cũng khiến Gärtner không thể tốt nghiệp trung học. Không có nhiều nơi ngoài quân đội cho Gärtner cơ hội thăng tiến, vì thế khi nước Đức bị cuốn vào Thế chiến thứ hai, anh đã nhập ngũ năm 1940.
Gärtner tình nguyện chiến đấu trong Quân đoàn Phi châu dưới thời Tướng Rommel năm 1942. Điều này một phần xuất phát từ mong muốn phiêu lưu, nhưng cũng một phần vì hy vọng thoát khỏi việc bị điều tới Mặt trận phía Đông.
Gärtner đến Libya vào đầu năm 1943, nhưng quân Đức khi đó đang bị người Anh đẩy lùi. Là một trung sĩ pháo binh, Gartner tham gia một trận chiến rất lớn nhưng vô vọng, nơi lực lượng Đức liên tục phải rút lui đến 80km mỗi ngày.
Vào tháng 5/1943, anh là một trong số khoảng 220.000 binh sĩ Đức và Ý buộc phải đầu hàng quân Đồng minh. Sau đó, Gärtner bị đưa đến một nhà tù ở Deming, bang New Mexico, Mỹ.
Nếu như Gärtner từng nghĩ tới những nỗi kinh hoàng chờ đợi tù binh chiến tranh Đức như trong các nhà tù ở Mặt trận phía Đông, thì anh ta đã rất sai lầm. Cuộc sống với tù binh Đức ở các trại giam của Mỹ khá thoải mái. Các tù binh được ăn ở trong điều kiện tốt, không chỉ có nhiều cơ hội giao tiếp, hoạt động thể thao, mà còn có thể dự các khóa học theo chương trình đại học.
Tuy nhiên, vào cuối cuộc chiến mọi thứ bắt đầu thay đổi. Khi các trại tập trung được giải phóng bởi quân Đồng minh, những báo cáo về sự khủng khiếp đã xảy ra ở đó bắt đầu lan ra khắp phương Tây. Nhiều tù binh Đức cũng sốc như người Mỹ khi biết về những hành động tàn bạo này, nhưng điều đó không ngăn được lính canh Mỹ ngày càng trở nên hà khắc và thù địch hơn với người Đức.
Khi chiến tranh kết thúc và đã đến lúc hồi hương tù binh Đức, Gärtner rất lo sợ viễn cảnh phải trở về nhà. Quê anh, vùng Hạ Silesia, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô, và là một tù binh Đức, anh hiểu rằng điều tồi tệ đang chờ đón số phận mình.
Nhờ nói tiếng Anh rất tốt, Gärtner nhận thấy cơ hội duy nhất của anh là trốn thoát khỏi trại tù và ở lại nước Mỹ.
Gärtner bắt đầu chuẩn bị cho cuộc trốn chạy bằng cách quan sát kỹ lưỡng tuyến xe lửa chạy qua trại. Anh ghi chú chi tiết về lịch trình xe lửa.
Đêm 24/9/1945, trong khi các tù binh khác đang mải xem phim, Gärtner đợi một khoảng trống của ánh đèn rọi, bò qua hai cổng và nhảy lên đoàn tàu chở hàng đi qua.
Gärtner nằm bẹp trên chuyến tàu hàng suốt từ bang New Mexico đến San Pedro, California. Anh vừa thoát khỏi trại giam và hướng đến một cuộc sống mới, với một nhân dạng mới, một vỏ bọc mà anh sẽ sử dụng trong 40 năm tiếp theo.
Trong môi trường đa văn hóa của California, Gärtner dễ dàng hòa nhập. Anh lấy tên là Peter Petersen và tự xưng là một người Na Uy nhập cư. Gärtner làm việc cùng những lao động nhập cư khác trong các trang trại một thời gian, rồi đổi tên thành Dennis Whiles.
Cuối cùng anh có được số an sinh xã hội và bằng lái xe dưới tên Dennis Whiles. Đây là cái tên Gärtner giữ trong suốt quãng đời còn lại.
Gärtner đã phải làm rất nhiều công việc, bao gồm nghề hướng dẫn viên trượt tuyết, công việc đã khiến anh ta liên quan đến một sự cố nổi tiếng.
Tháng 1/1952, một đoàn tàu chở khách có tên “City of San Francisco” bị mắc kẹt trong trận bão tuyết ở Sierra Nevada. Nhờ kinh nghiệm trượt tuyết, Gärtner đã dẫn đầu một sứ mạng giải cứu sử dụng ván trượt tuyết để tiếp cận đoàn tàu mắc kẹt.
Anh là một trong những người đầu tiên đến được chỗ con tàu gặp nạn và kết quả là bức ảnh chụp Gärtner - cùng với những người cứu hộ khác – đã được tạp chí Life đăng tải. Trớ trêu thay, vào thời điểm đó, hình ảnh khuôn mặt của Gärtner vẫn được dán khắp nước Mỹ trên các áp phích truy nã của FBI. Rất may là không có ai nhận ra anh.
Năm 1964, Gärtner kết hôn với một người phụ nữ Mỹ, tên là Jean Clarke. Ông đã giữ bí mật danh tính thực sự của mình với vợ trong suốt 20 năm sau đó. Tuy nhiên, vào năm 1984, bà Clarke bắt đầu truy vấn chồng những câu hỏi ngày càng khó trả lời, vì vậy cuối cùng Gärtner đành nói rõ với vợ ông thực sự là ai.
Sau đó, Gärtner công khai thú nhận thân phận khi xuất hiện trên chương trình truyền hình The Today Show vào năm 1985.
FBI và Chính phủ Mỹ đã quyết định rằng: do Gärtner không phải là một người nhập cư bất hợp pháp (vì ban đầu ông được đưa đến Mỹ trái với ý muốn) và ông đã không phạm tội nghiêm trọng nào, họ sẽ không truy tố hay trục xuất ông.
Gärtner chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 2009. Ông đã xuất bản một cuốn sách về cuộc đời mình, có tựa "Hitler’s Last Soldier In America" (Người lính cuối cùng của Hitler trên đất Mỹ”. Gärtner sống đến tuổi 92, qua đời ở Loveland, bang Colorado.