Lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình - làng Nhơn Hòa Lập, tỉnh Đồng Tháp (7/1948). |
Biệt tài về quân sự
Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1908 tại thôn An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Sinh ra trong một gia đình nông dân hiếu học và yêu nước, từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ phẩm chất và nhân cách cao cả, một bản lĩnh kiên cường, bất khuất.
Năm 1924, khi vừa tròn 16 tuổi, không cam chịu thân phận làm nô lệ, ông đã tham gia những hoạt động yêu nước, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và bị truy lùng phải trốn vào Nam hoạt động. Năm 1928, ông gia nhập Quốc dân Đảng, năm 1929, bị bắt và đày ra Côn Đảo.
Được tiếp xúc với những người bạn tù cộng sản, tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, ông đã giác ngộ, đã ly khai với Quốc dân đảng, kiên định theo Đảng Cộng sản để thực hiện ước mơ làm cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Chính vì thế ông đã bị các bạn tù Quốc dân đảng đâm hỏng mắt trái nhưng ông đã nói: “Tuy tôi mất một con mắt nhưng tôi lại thấy sáng hơn khi còn hai con mắt”.
Năm 1935, mãn hạn tù, ông trở về quê nhà. Ông tiếp tục hoạt động, bí mật xây dựng chiến khu Đông Triều, và lại bị bắt một lần nữa. Tuy bị quản thúc nhưng ông vẫn nuôi ý chí cách mạng, bí mật xây dựng Đông Triều làm căn cứ chống Pháp một cách độc lập.
Năm 1943, ông được Trung ương giao phụ trách binh vận mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Đông Triều, Hải Phòng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn vận động binh lính các đồn Thủy Nguyên, Cửa Ông, thị xã Kiến An cung cấp vũ khí. Nhờ súng đạn nhiều mà Đông Triều trở thành chiến khu vững vàng và chùa Bắc Mã là tổng hành dinh của quân giải phóng chiến khu Đông Triều.
Ông chỉ huy nhiều đánh trận lớn như: đồn Bần Yên Nhân, tổ chức đánh cướp tàu Pháp ở Hạ Lý - Hải Phòng, hạ đồn Đông Triều, diệt đồn Bí Chợ, đánh địch chiếm thị xã Uông Bí,… thu được nhiều lương thực và vũ khí.
Trận đánh đồn Bần được coi là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 4-1945, Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định cả nước chia làm 7 quân khu, Bắc Bộ có 4, ông giữ chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu (tức chiến khu Đông Triều gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai, Móng Cái và Lạng Sơn).
Tháng 7/1945, ông đem quân đánh chiếm giải phóng thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), là tỉnh lị duy nhất ở miền Bắc về tay nhân dân trước Cách mạng tháng Tám. Tháng 8/1945, ông dẫn đầu lực lượng từ chiến khu về tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Hải Phòng.
Khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn, chiến tranh lan rộng ra toàn Nam Bộ, ông được Hồ Chủ tịch tín nhiệm cử vào miền Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang tại chiến trường Nam Bộ. Với tư cách là phái viên của Trung ương Đảng, tháng 11/1945, tại xã An Phú (huyện Hóc Môn), Nguyễn Bình tổ chức “Hội nghị quân sự Nam Bộ” đầu tiên.
Hội nghị bàn bạc về việc thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ lấy tên chung là Giải phóng quân Nam Bộ, thống nhất biên chế hình thức chi đội, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Trong hội nghị này, Nguyễn Bình được bầu làm Tổng Tư lệnh giải phóng quân Nam Bộ.
Do có biệt tài về quân sự, Nguyễn Bình đã giữ được miền Nam trong những “ngày cuồng phong bão tố”, bẻ gãy được mũi nhọn tiến công của quân viễn chinh Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, đi vào nề nếp, đặt mục tiêu đánh Pháp lên trên hết, thống nhất được các nhóm giang hồ kiểu Bình Xuyên.
Một đóng góp nữa của Nguyễn Bình, đó là đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm quấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon ngủ không yên.
Dưới sự chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, giữ kỷ luật nghiêm minh, ông lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. Ông đã góp phần to lớn và việc chỉnh đốn xây dựng chính quyền và củng cố khối đoàn kết toàn dân ở Nam bộ.
Những chiến công buổi đầu của quân dân Nam Bộ được gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Bình, khiến các giới chính trị, quân sự Pháp cũng phải kính nể.
Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Vị Trung tướng đầu tiên
Ngày 25/1/1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng. Đây là Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cùng đợt có ông Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng.
Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Lễ thụ phong được tổ chức vào tháng 7/1948 tại làng Nhơn Hòa Lập trên con kênh Dương Văn Dương, Đồng Tháp. Ông trở thành cán bộ quân sự cấp cao thứ hai của Việt Nam, sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp.