“Vua dầu lửa” Rockefeller: Kỳ 2: Vụ đấu giá kỳ cục

Năm 1853, gia đình Rockefeller chuyển đến một nông trại gần Cleveland (bang Ohio). Tuy nhiên, Rockefeller không chịu an phận với viễn cảnh mịt mù trở thành anh nông dân quanh năm chỉ biết đàn gà hay đụn cỏ. Bỏ ngang trung học vào năm 1855, cậu theo học một khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn tại một trường đại học cộng đồng.


Ngày 26/9/1855, ở tuổi 16, sau 6 tuần lặn lội xin việc từ sáng sớm đến chạng vạng, ở thời điểm nước Mỹ trong tình trạng kinh tế khó khăn, Rockefeller lần đầu tiên xin được việc làm. Đó là thời khắc bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời ông. Sau này, khi đã có trong tay cơ nghiệp bạc tỉ, “Vua dầu lửa” vẫn kỷ niệm ngày 26/9 hàng năm bằng các buổi tiệc hoành tráng hơn cả tiệc sinh nhật mình.


Rockefeller với vẻ mặt lạnh lùng từ khi còn trẻ. Ảnh: Internet

Công ty nhận Rockefeller vào làm là Hewitt & Tuttle, một công ty môi giới mua bán và vận chuyển hàng hóa tại Cleveland. Thoạt đầu, Rockefeller làm thư ký bàn giấy kiêm trợ lý kế toán. Mãi cho đến ngày 1/1/1856, Rockefeller mới được trả lương.


Cuốn sổ ghi chi tiêu của ông cho thấy, Rockefeller được trả 50 USD cho hơn ba tháng làm việc và ông phải chi tiền cho thuê nhà, tiền giặt ủi, cũng như “25 xu cho một ông cụ nghèo” và “50 xu cho một bà cơ nhỡ”. Từ 24/11/1855 đến tháng 4 năm sau, Rockefeller chi 9 USD cho quần áo và làm từ thiện 5,58 USD. Cặm cụi làm cho Hewitt & Tuttle, cuối cùng Rockefeller bắt đầu lên chức kế toán chính thức, được trả 500 USD/năm; rồi 700 USD sau một năm nữa. Đòi 800 USD nhưng bị từ chối, Rockefeller quyết định nghỉ việc vì cảm thấy không còn được trả lương xứng đáng với năng lực của mình nữa.


Học được các thủ thuật điều hành cũng như những ngóc ngách làm ăn trong vài năm làm cho Hewitt & Tuttle, năm 1859, vài tháng trước sinh nhật lần thứ 20, Rockefeller bắt đầu lập doanh nghiệp riêng, hùn vốn chung với một người láng giềng là Maurice B. Clark, mỗi người góp 2.000 USD. Rockefeller chỉ có 1.000 USD và phải vay phần còn lại từ cha mình với lãi suất 10%/năm. Công ty Clark & Rockefeller ra đời và thành công gần như ngay từ vạch xuất phát.


Ban đầu, Clark & Rockefeller chủ yếu buôn bán hàng hóa và nhanh chóng phát đạt nhờ nhu cầu của cuộc Nội chiến Mỹ và sự mở cửa của miền Tây. Họ buôn lúa mì từ Ohio, muối từ Michigan và thịt lợn từ Illinois.


 

Một trang trong cuốn sổ chi tiêu còn được lưu giữ của “Vua dầu lửa”. Ảnh: Internet

 Năm 1862, Rockefeller bắt đầu bước vào lĩnh vực lọc dầu. Cùng Maurice Clark, Rockefeller đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Samuel Andrews. Thế là công ty khai thác - kinh doanh dầu Andrews & Clark Co ra đời. Dầu lửa và những câu chuyện khác về làm giàu nhanh chóng đã choáng ngợp trí tưởng tượng của các doanh nhân ở Cleveland (Ohio) khi một tuyến đường ray mới được xây dựng vào năm 1863. Hàng loạt nhà máy lọc dầu được xây dựng dọc theo những tuyến đường sắt tới Cleveland. Ban đầu, Rockefeller nghĩ rằng lọc dầu chỉ là một lĩnh vực phụ so với buôn bán hàng hóa. Nhưng chỉ trong một năm, khi nhà máy lọc dầu đem lại khá nhiều lợi nhuận, ông đã thay đổi suy nghĩ.


Tuy nhiên, bất đồng dai dẳng giữa hai nhân vật chính của công ty đã bùng nổ. Clark và Rockefeller thỏa thuận tổ chức một cuộc bán đấu giá riêng giữa hai người, ai ra giá cao nhất sẽ có được công ty. Một vụ bán đấu giá kỳ cục đã diễn ra vào một ngày tháng 1/1865 tại Cleveland. Mức giá ban đầu được đưa ra là 500 USD đã nhanh chóng bị phá vỡ. Chẳng mấy chốc, Maurice Clark đã ra giá 72.000 USD. Rockefeller bình thản đưa ra mức 72.500 USD. Clark vung tay lên trời nói: “Tôi sẽ không trả cao hơn nữa đâu, John. Công ty này là của anh”. Nửa thế kỷ sau, Rockefeller nói về cuộc đấu giá đầu tiên của mình: “Tôi mãi mãi coi đó là ngày khởi đầu cho những thành công tôi đạt được trong đời”.


Rockefeller lúc này trở thành chủ nhân duy nhất của một công ty sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất trong số 30 nhà máy lọc dầu ở Cleveland. Ông giành thắng lợi đầu tiên của mình trong lĩnh vực lọc dầu vào một thời điểm hoàn hảo - cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865 đã mở ra một kỷ nguyên mới của việc mở rộng các hoạt động kinh tế trên quy mô lớn, của hoạt động đầu cơ mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt.


Trong cơn sốt dầu lửa, Rockefeller tiếp tục tái đầu tư lợi nhuận cùng những khoản tiền đi vay vào lĩnh vực lọc dầu. Ông xây thêm nhà máy thứ hai và cần thị trường mới tương xứng với công suất của các nhà máy này. Vì vậy, năm 1866, Rockefeller thành lập thêm một công ty ở New York và đưa anh trai là William phụ trách nhằm quản lý hoạt động buôn bán trên bờ Đại Tây Dương và xuất khẩu dầu lửa.


Năm 1867, Rockefeller mua thêm một nhà máy lọc dầu ở Cleveland. Đây là thương vụ đầu tiên trong hàng loạt vụ sáp nhập mà Rockefeller “càn quét” ngành công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ để cuối cùng tạo ra đại công ty Standard Oil vào năm 1870, khi ông mới 31 tuổi!


Bạch Đàn

 

Kỳ 3: “Khủng long” Standard Oil

1
“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng
“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng

Ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ complet cũ cho tới khi chúng sờn rách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN