“Vua dầu lửa” Rockefeller: Kỳ 4: Luật chống tờ - rớt

Bằng cách cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty và không ngừng tìm cách giành được các khoản chiết khấu từ các công ty đường sắt, Rockefeller đã đưa Standard Oil trở thành một trong những công ty lớn mạnh nhất trong lĩnh vực lọc dầu. Standard Oil đồng thời là một trong những công ty bán dầu lửa lớn nhất ở Mỹ. Từ Cleveland đến các địa hạt còn lại của nước Mỹ, Standard Oil gần như độc quyền kiểm soát thị trường dầu lửa.


Nhà báo nổi tiếng Ida Tarbell, người đã theo đuổi cuộc điều tra chống Rockefeller và đế chế dầu mỏ của ông. Ảnh: Internet

Năm 1878, một người đàn ông hoàn toàn đứng ngoài công nghiệp dầu mỏ đã phát minh ra một sản phẩm làm thay đổi ngành công nghiệp chiếu sáng. Đó là Thomas Edison, người đã phát minh ra bóng đèn điện. Mặc dù thị trường dầu lửa liên quan đến nhiều sản phẩm khác ngoài dầu đèn (kerosene), nhưng dầu đèn vẫn là sản phẩm chính và thắp sáng là công dụng chủ yếu. Do vậy, khi bóng đèn điện xuất hiện, giá cổ phiếu của các công ty hóa dầu sụt giảm mạnh. Bóng điện trở nên rẻ hơn, an toàn hơn so với dầu đèn, dù trước đó, dầu đèn đã là sản phẩm rẻ hơn, an toàn hơn so với dầu cá voi.


Phản ứng của Rockefeller đối với thách thức đó là tiếp tục đưa công ty của ông trở thành số một thế giới: Ông khiến Standard Oil trở nên hiệu quả nhất có thể và luôn giữ con mắt thận trọng với mọi thay đổi trên thị trường. Trong thập niên 1880 và bước sang 1890, Standard Oil tiếp tục các thành tựu sản xuất, giữ vị trí thống trị trên thị trường. Trái với đặc trưng của độc quyền, Rockefeller không hạn chế nguồn cung giả để đẩy giá lên cao. Ông cũng không có ý định nắm quyền lực như vậy. Điều ông làm là sản xuất ra sản phẩm chất lượng với giá thấp nhất có thể. Dưới sự kiểm soát thị trường của Rockefeller, giá dầu lửa đã giảm gần 80%.


Sau 8 năm liên tục phát triển, bành trướng với một động cơ rất quyết liệt là gây ảnh hưởng và chi phối ngành công nghiệp dầu lửa, Rockefeller đã loại trừ và mua gần hết các đối thủ cạnh tranh. Standard Oil Trust sản xuất ra hầu hết sản lượng dầu đèn của thế giới, sở hữu 20.000 giếng dầu, 4.000 dặm đường ống, 5.000 xe bồn và thuê 100.000 nhân công. Ông thường trả lương cao cho công nhân nhưng ngăn cản họ thành lập các nghiệp đoàn.


Cái tên Rockefeller nổi tiếng khắp thế giới. Nhân viên và đại diện của ông có mặt tại hầu hết các hải cảng trên toàn cầu. Từ dầu, Rockefeller bắt đầu mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp, như sắt thép, tàu hỏa và tàu biển...


 

Cuốn “Lịch sử công ty Standard Oil của bà Tarbell”. Ảnh: Internet

 

Nhưng sự độc quyền lớn mạnh của Sandard Oil Trust đã làm báo giới, các nhà hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng và các chính trị gia lo lắng. Vừa nể vừa sợ, người ta bắt đầu nhìn Rockefeller như một mối đe dọa và gọi Standard Oil Trust là một quái vật bạch tuộc khổng lồ vươn vòi thâu tóm và thao túng hệ thống kinh tế Mỹ. Một chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành với mục tiêu hạ gục Standard.


Lo ngại những ảnh hưởng của Rockefeller ngày càng lớn, nhiều hoạt động chính trị xã hội có thể bị tác động bởi “Vua dầu lửa” thông qua ảnh hưởng của ông đến các ngành công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, năm 1890, chính quyền bang Ohio - nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Standard Oil Trust - đã ra một sắc lệnh gọi là "sắc lệnh Tờ - rớt", buộc chia nhỏ đại tập đoàn này thành nhiều tập đoàn độc lập, không được liên kết để độc quyền và kiểm soát thị trường. Nhưng Rockefeller, với những quan hệ mật thiết với nhiều chính khách, đã tìm cách lách được sắc lệnh trên. Ông chuyển trụ sở tập đoàn sang bang New Jersey, nơi sắc lệnh này không có hiệu lực và đổi tên thành Standard Oil New Jersey.


Một trong những người đi đầu trong chiến dịch chống tờ - rớt của Rockefeller là nhà báo điều tra Ida M. Tarbell (1857 - 1944). Viết loạt bài trên tạp chí McClure năm 1902 rồi với cuốn “The History of the Standard Oil Company” (quyển sách xếp thứ 5 trong danh sách 100 tác phẩm báo chí nổi bật nhất thế kỷ 20 do New York Times bình chọn năm 1999), bà Tarbell đã tấn công phương pháp kinh doanh và hoạt động tài chính của Standard Oil Trust. Rockefeller bị buộc tội chèn ép đối thủ bằng đủ thủ đoạn có thể, từ việc thuê và hối lộ để rình mò các công ty cạnh tranh, đến việc đàm phán bí mật hay dàn xếp sặc mùi mafia. Nói tóm lại, Rockefeller bị kết tội làm giàu từ xương máu kẻ khác.


Những vụ kiện tụng chống lại Standard Oil kéo dài đến tận năm 1911, khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng tờ - rớt này được phát triển từ những hoạt động độc quyền không hợp pháp nên buộc phải chia tách thành 34 công ty nhỏ hơn. Đại tập đoàn của Rockefeller buộc phải chia ra thành nhiều công ty khác nhau với những cái tên vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay như Exxon, Chevron hay Mobil.


Trong khi đó, từ đầu những năm 1900, thêm nhiều đối thủ đã xuất hiện như Associated Oil & Gas, Texaco, Gulf, Sun Oil hay Union Oil... Từ giữa năm 1898 và 1906, sản lượng dầu của Standard vẫn tăng, nhưng thị phần đã giảm từ 34% xuống chỉ còn 11%. Trong giai đoạn 1896 đến 1911, ảnh hưởng của Rockefeller đối với Standard Oil cũng giảm dần. Mặc dù vẫn giữ chức chủ tịch và sở hữu số cổ phần lớn trong Standard Oil, “Vua dầu lửa” rút lui khỏi công việc điều hành công ty. Tuy vậy, tài sản của ông vẫn không ngừng tăng lên. Ở thời kỳ đỉnh cao nhất, tài sản của ông được ước tính có giá trị tương đương 324 tỉ USD ngày nay (theo trang Askmen.com). Rockefeller là tỉ phú giàu nhất mọi thời đại, và trong tương lai có thể sẽ không một nhân vật nào đạt tới tầm cỡ như ông.


Bạch Đàn
Đón đọc kỳ 5: “Con cú già” lõi đời

“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng
“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng

Ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ complet cũ cho tới khi chúng sờn rách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN