Bến Tre phát triển kinh tế hướng biển

Với chiều dài trên 65 km bờ biển trải dài qua 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và có vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2, tỉnh Bến Tre có lợi thế phát triển kinh tế biển cùng nhiều lĩnh vực khác. Tỉnh cũng đã chú trọng triển khai các dự án điện gió và phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế về hướng Đông.

Chú thích ảnh
 Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát các dự án điện gió ở vùng biển. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Theo đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/1/2021 về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, giúp phát huy tiềm năng kinh tế biển. 

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, hiện tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7 MW. Có 9/19 dự án với công suất khoảng 3 MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270 MW; trong đó, 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với công suất 93,05 MW, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh. Còn 10/19 dự án với công suất khoảng 640 MW đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa tiến hành thi công ngoài thực địa do chờ Chính phủ ban hành cơ chế giá điện.

Tỉnh Bến Tre cũng triển khai các công trình đường dây 220kV Thạnh Phú - Mỏ Cày Nam; trạm biến áp 110kV Phú Thuận; đường dây 110kV Phú Thuận - Bình Đại; đường dây 110kV Ba Tri - Bình Thạnh; trạm biến áp 110kV An Hiệp và đường dây 110kV Bến Tre - An Hiệp. Các công trình, dự án này đang được gấp rút triển khai để sớm đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân.  

Theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, các dự án điện gió có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đơn giản, nếu phát triển 1.500 MW điện gió, sản lượng điện phát ra trung bình trên 4 tỷ kWh/năm, đạt doanh thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm, thì mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, dự án sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân vùng dự án và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Từ đó, góp phần to lớn đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng dự án nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.

Trong quá trình triển khai, ở các dự án điện gió trên biển, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thuận lợi. Các dự án cũng được sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các địa phương nên các thủ tục liên quan được giải quyết nhanh chóng; tốc độ gió tốt (6 - 7 m/s) tại khu vực các huyện ven biển tỉnh Bến Tre nên hiệu suất khai thác rất cao,…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, hiện nay cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực. Trong khi đó chưa có chính sách mới thay thế nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp tục triển khai. Thông tư số 02/2019/TT-BCT, ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về phát triển các dự án điện gió cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về khu dân cư nên người dân khu vực các dự án điện gió trên bờ có phát sinh khiếu nại, làm chậm tiến độ dự án;…

Để khắc phục các vướng mắc, khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện mới để các nhà đầu tư có quyết định sớm triển khai các dự án điện gió còn lại. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Công Thương) có hướng dẫn rõ ràng về khu dân cư để giải quyết các khiếu nại phát sinh đối với các dự án điện gió trên bờ.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Dương Văn Phúc, để gia tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản, tỉnh có kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đến năm 2025. Theo đó, một số công ty tham gia như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết sản xuất tại vùng nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hỗ trợ xây dựng quy hoạch ngành tôm trên địa bàn 3 huyện biển; xác định 3 vùng nuôi tôm công nghệ cao tập trung tại 3 huyện vùng biển Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, với tổng quy mô 450 ha.

Chú thích ảnh
Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình nuôi thủy sản của tỉnh Bến Tre khá thuận lợi, giá tôm nguyên liệu ổn định ở mức khá cao. Tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống 45.503 ha, tăng 4,62% so cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi tôm biển đạt 34.700 ha; tổng sản lượng nuôi đã thu hoạch ước đạt 190.472 tấn, đạt 99,48% so cùng kỳ. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định; tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000 ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 20.620 tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Tại mô hình tôm công nghệ cao liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam của ông Nguyễn Thành Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, sau gần 3 năm triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Ông Phong cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt.

Hiện ông Phong nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2 ha. Với giá tôm hiện khoảng 180.000 đ/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ. 

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, ông Đào Công Thương cho hay, huyện Thạnh Phú đang tập trung vận động nuôi tôm công nghệ cao với diện tích khoảng 800 ha. Đây là mô hình nuôi tôm rất hiệu quả, đạt chất lượng cao, có thể xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Sản lượng nuôi tôm công nghệ cao hiện đạt mức cao khoảng 40 tấn/ha/năm, gấp 3,5 lần nuôi tôm thâm canh và gấp 20 lần nuôi tôm bán thâm canh.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh, nhằm tiếp tục phát triển bền vững kinh tế về hướng Đông, trong năm 2022, tỉnh Bến Tre tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,5%, giúp tạo nguồn thu cho ngân sách và nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cùng với đó, tổ chức huy động nguồn lực và ưu tiên triển khai 11 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; trong đó, hoàn thành quy trình thủ tục để khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 trong quý I/2022; hoàn thành giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận để thu hút nhà đầu tư,…

Đặc biệt, tỉnh Bến Tre chủ động liên hệ các bộ, ngành Trung ương để trình bổ sung các dự án điện khí LNG của tỉnh vào quy hoạch quốc gia, tạo bước đột phá mới cho tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển nghề khai thác thủy sản phù hợp với tình hình mới; nâng cao hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển; triển khai mạnh đề án 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; trong đó, ban hành quyết định phân vùng nuôi để các tổ chức tín dụng tiếp cận, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ/công ty nuôi tôm công nghệ cao…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai dự án tuyến đường ven biển giai đoạn 1; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai đề án phát triển khu vực kinh tế biển tỉnh Bến Tre; trong đó, có hoạt động lấn biển; tích cực và chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc các chủ đầu tư, nhất là về thủ tục, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng,… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, điện gió đã cấp chủ trương đầu tư và các dự án của các nhà đầu tư chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với tỉnh…

Hồng Đạt - Công Trí (TTXVN)
Trà Vinh hướng đến tỉnh trọng điểm kinh tế biển
Trà Vinh hướng đến tỉnh trọng điểm kinh tế biển

Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra Chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu hướng đến khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng ven biển để vươn lên trở thành tỉnh trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN