Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định vừa được đóng mới đã bị sét gỉ, hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Theo báo cáo của Vụ Khai thác thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sau 2 năm triển khai Nghị định 67 tổng số tàu cá được phân bổ cho các địa phương đóng mới 2.284 tàu, trong đó có 2.079 tàu khai thác và 205 tàu làm dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển.
Các địa phương trong cả nước đã phê duyệt được 1.948 chiếc tàu có đủ điều kiện vay vốn tín dụng, trong đó đóng mới 1.510 chiếc tàu cá gồm đóng mới 7 tàu vỏ thép và nâng cấp 4 chiếc tàu vỏ gỗ. Đồng thời các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 945 chủ tàu với tổng số tiền cam kết 9.274 tỷ đồng và đã giải ngân được 8.245 tỷ đồng. Trong đó có 375 tàu vỏ thép và vật liệu mới.
Đến thời điểm 31/5/2017 tổng số tàu cá ngư dân đóng mới theo Nghị định 67 là 671 tàu, trong đó có 627 tàu khai thác và 44 tàu dịch vụ (297 tàu vỏ thép, 352 tàu vỏ gỗ, 22 tàu vỏ composite).
Cũng theo báo cáo của các địa phương, trong tổng số 771 tàu cá được đóng mới và nâng cấp đi vào hoạt động, đa số vươn khơi bám biển đạt hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước, nhiều tàu đã trả được nợ vốn cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng tổng cộng với số tiền gần 100 tỷ đồng. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng và thu lãi 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, điều bức xúc riêng đối với ngư dân tỉnh Bình Định trong quá trình đóng tàu vỏ thép và bàn giao chưa lâu cho ngư dân đã dẫn đến sự cố hư hỏng với tổng cộng 17/44 con tàu vỏ thép. Trong đó Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có 5 tàu sơn vỏ tàu bị bong tróc, mặt boong, ca bin, phần van …bị gỉ sét, hầm bảo quản thoát nước kém, bị thay đổi thiết kế.
Đối với 12 con tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, thân vỏ tàu một số tàu bị gỉ rét, hà bám nhiều, trong đó có 4 con tàu hư hỏng máy chính, máy phát điện và hầm bảo quản tiêu hao đá nhiều…
Về nguyên nhân sự cố tàu vỏ thép, các ý kiến từ các chủ cơ sở đóng tàu, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà quản lý và chủ tàu đều cho rằng năng lực đóng tàu của một số cơ sở chưa đạt yêu cầu. Trong quá trình đóng tàu thì nhiều cơ sở tự ý thay đổi thiết kế. Sự giám sát của chủ tàu với cơ quan đăng kiểm và đơn vị đóng tàu chưa được chặt chẽ và trình độ tiếp cận công nghệ mới trong vận hành tàu của một số ngư dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chính sách thiếu phù hợp và chưa kịp thời bổ sung cho sát thực tế.
Ông Võ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các qui trình, quy chuẩn, quy phạm về đóng mới, nâng cấp tàu cá; đồng thời tham mưu cho Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn ban hành và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy phạm phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm trong đóng mới và nâng cấp tàu cá, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu về hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo qui định và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên trong vận hành tàu vỏ thép.
Riêng đối với các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm đối với các chủ tàu có tàu bị sự cố và phải sửa chữa thân tàu, hoặc phải đóng mới lại tàu. Đối với máy móc thiết bị phải sử dụng máy mới nguyên lóc, máy thủy. Các cơ sở chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng kinh tế đã ký kết cho ngư dân khi tàu phải nằm bờ sửa chữa.
Bộ sẽ giao cho các ngành chức năng thuộc bộ kiểm tra và xem xét năng lực đóng tàu của 2 đơn vị trên và trước mắt tạm dừng giao hợp đồng đóng mới, chỉ khi nào đảm bảo đủ năng lực mới xem xét cho tham gia tiếp chương trình.