Tại tỉnh Thái Bình, không chỉ gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, khiến gia tăng chi phí ra khơi, nhiều ngư dân tại các huyện ven biển còn đang chật vật trong mỗi chuyến đánh bắt do nguồn lợi thủy sản thu về không nhiều. Khó khăn chồng chất, song nhiều ngư dân vẫn nỗ lực bám biển.
Khác hẳn với cảnh đánh bắt tấp nập, thuyền đầy cá tôm sau mỗi chuyến ra khơi như trước đây, trong những ngày này, tại cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nhiều con tàu buộc phải nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao. Anh Tạ Duy Tấn, Chủ tàu TB-91666TS cho biết, tranh thủ những ngày này, anh đã sửa sang lại tàu cũ chờ ngày vươn khơi.
Gia đình anh có 2 con tàu công suất 360 CV và 26 CV. Trước đây, giá dầu ổn định, việc đánh bắt thuận lợi anh thu lãi từ 2-3 triệu đồng mỗi chuyến ra khơi. Trung bình mỗi tháng anh đi biển 12 chuyến, thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng. Nay giá dầu tăng hơn 25.000 đồng/lít (gấp đôi so với năm 2021) khiến anh không thể tiếp tục công việc đánh bắt như trước. Vì vậy, cũng như nhiều chủ tàu khác, từ 10 ngày nay, anh Tấn buộc phải tạm ngừng việc đi biển để giảm bớt gánh nặng kinh tế; đồng thời, cho các lao động ở Nghệ An, Thanh Hóa nghỉ việc về quê.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều chủ tàu trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ngư dân Bùi Văn Nam (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) cho biết, nghề đi biển vốn nhiều rủi ro, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên chuyến được, chuyến không. Trước đây mỗi chuyến đi biển anh phải bỏ ra từ 1,6 triệu đến 1,8 triệu tiền dầu.
Nay chi phí này tăng lên từ 2 - 2,2 triệu đồng/chuyến. Trong khi đánh bắt được ít cá tôm, giá cá lại không tăng khiến công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều ngư dân, với giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay, mỗi chuyến đi biển may mắn thì đủ tiền dầu, còn không sẽ lỗ cả triệu đồng.
Tỉnh Thái Bình có trên 50 km bờ biển với hai huyện ven biển là Thái Thụy, Tiền Hải. Trên địa bàn hiện có trên 1.100 tàu thuyền khai thác thủy sản với trên 3.500 lao động làm ăn trên biển; trong đó, chủ yếu các tàu thuyền chỉ khai thác trong phạm vi gần, thời gian mỗi chuyến đi ngắn từ 1-3 ngày. Giữa lúc khó khăn, những con tàu lớn nằm bờ thì nhiều con tàu công suất nhỏ hơn vẫn cố gắng vươn khơi dù thành quả sau mỗi chuyến đánh bắt không nhiều. Vì là nghề mưu sinh nên ngư dân vẫn bám trụ bằng mọi cách.
Ngư dân Tạ Duy Dương (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) cho biết, trước đây, gia đình anh đầu tư 300 triệu đồng cho 1 con tàu chiều dài 12 m, công suất trên 200 CV phục vụ đánh bắt tại vùng biển Thái Bình cách bờ từ 8-15 hải lý. Do khó khăn từ giá nhiên liệu cũng như việc đánh bắt không thuận lợi, thu hoạch ít cá tôm nên cuối năm 2021 anh Dương đã đổi từ tàu lớn sang tàu bé, công suất nhỏ hơn để phù hợp với việc đánh bắt phạm vi gần, tiếp tục mưu sinh từ nghề đi biển - vốn đã gắn bó với anh gần 20 năm nay.
Trở về sau chuyến đánh bắt, vợ chồng chị Hoàng Thị Bảy và anh Nguyễn Văn Công, Chủ tàu TB-91107 TS, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy là một trong số ít những con tàu vẫn bền bỉ vươn khơi giữa cơn “bão giá” nhiên liệu. Chị cho biết, từ khi giá dầu tăng, vợ chồng chị vẫn cố gắng duy trì việc đánh bắt nhằm phục vụ nhu cầu thu mua của thương lái địa phương. Dù lượng hải sản thu hoạch trong những ngày gần đây có sụt giảm, giá tôm cá cũng không tăng. Song, đây là nghề truyền thống nên vợ chồng chị vẫn quyết tâm bám trụ với mong mỏi giá cả sớm được kiểm soát, để ngư dân như vợ chồng chị có thể yên tâm vươn khơi bám biển.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) cho biết, trong khó khăn chung với các địa phương khác trên cả nước do giá dầu tăng cao, nhiều chủ tàu tại tỉnh Thái Bình đã cắt giảm khoảng 50% số chuyến ra khơi để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Qua khảo sát, nhiều ngư dân, chủ phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có chính sách bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi suất ngân hàng… đối với chủ phương tiện hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Giang, không chỉ gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng, ngư dân khai thác trong vùng biển Thái Bình còn gặp khó do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, dẫn đến sản lượng đánh bắt giảm, nhất là đối với loại cá xuất khẩu giảm mạnh. Để đồng hành cùng ngư dân bám biển, Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình thường xuyên cung cấp thông tin dự báo khu vực, mùa vụ khai thác giúp hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao cũng như đảm bảo các quy định của pháp luật về vùng khai thác.