Giá nhiên liệu “phi mã”, ngư dân lao đao
Từ 16/02/2022 đến nay, giá dầu Diezel tăng khoảng trên 3.000 đồng/lít, làm cho chi phí sản xuất của ngư dân tăng cao. Theo các ngư dân, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến tổng chi phí cho mỗi chuyến biển tăng thêm từ 25 - 30%; ngư dân đối mặt với nguy cơ bỏ tàu, hoặc thua lỗ nặng. Đa số các tàu cá hoạt động khai thác hải sản chỉ đủ để duy trì sản xuất, một số tàu bị thua lỗ, thu không đủ chi. Trong khi nguồn lợi thủy sản có nguy cơ suy giảm, nhất là vùng biển ven bờ và ngư trường truyền thống.
Anh Đinh Văn Khá (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), chủ tàu cá số hiệu HP/90393/TS đỗ tại bến Hạ Long 1 cho biết, tàu anh vừa cập bến được hai ngày sau một tuần ra khơi, tổng chi phí hết khoảng 48-50 triệu đồng, trong khi đó, chuyến vừa rồi hàng bán ra chỉ thu về 57-58 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận thu về không đáng kể, anh Khá chia sẻ, với tình hình giá dầu tiếp tục tăng, nếu lên đến 26.000 đồng/lít dầu thì có lẽ không chỉ anh mà có khoảng 70% dân đi biển phải nghỉ, anh em phải chịu cảnh thất nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thành (phường Hà An, thị xã Quảng Yên), chủ tàu QN/90082/TS than thở, chuyến biển 4 ngày vừa rồi tàu anh bị lỗ, không có tiền công trả cho anh em, vì bên cạnh giá hải sản thời điểm hiện tại giảm hơn so với thời điểm trong tết; nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, sản lượng đánh bắt giảm. Trong khi đó, các chi phí khác thì tăng cao, nhất là nhiên liệu.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao các chủ tàu không nâng giá bán hải sản lên một vài giá để bù chi phí thì anh Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người mua giảm, không thể bán cao hơn được vì sẽ không có người mua. Giá hiện tại đang bán thấp hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nếu tiếp tục ra khơi chắc chắn sẽ lỗ hoặc là làm không công vì vậy chỉ đành đỗ bến nghỉ và chưa tính đến việc ra khơi trở lại.
Bên cạnh đó, một bộ phận lớn ngư dân có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, nhưng sản xuất lại không hiệu quả thường xuyên bị thua lỗ nên trước khi đi khai thác phải vay vốn với lãi xuất cao, thậm chí vay nóng bên ngoài để trang trải chi phí cho chuyến biển, việc trả lãi cho khoản chi phí này cũng làm tăng thêm gánh nặng cho ngư dân đã khó càng khó hơn. Đã có nhiều tàu cá phải hoạt động cầm chừng, thậm chí chịu lỗ để giữ nhân công và tránh cho tàu cá khỏi bị hư hỏng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, cơ cấu chi phí sản xuất của nghề khai thác hải sản gồm: chi phí mua nhiên liệu dầu Diezel, nước đá, chi phí sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, thuê nhân công… Vì vậy, giá dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân, tăng thêm gánh nặng chi phí trong mỗi chuyến biển.
Ngư dân chờ “phao cứu sinh”
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 7.966 tàu; trong đó có khoảng hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ. Tàu cá tỉnh hoạt động các nhóm nghề chủ yếu: Lưới chụp, lưới kéo, lưới rê, câu, pha xúc, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và nghề khác; ngư trường khai thác chủ yếu vùng biển vịnh Bắc bộ, một số tàu cá hoạt động tại vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.
Theo ông ông Nguyễn Hữu Tính, chủ tàu QN-90302-TS bày tỏ, hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển, nhưng chưa năm nào ông đối mặt với những khó khăn “kép” như hiện nay. Trung bình với tàu dài dưới 15m, mỗi chuyến đi biển dưới khoảng 4 ngày tiêu hao khoảng 1.000 lít, xấp xỉ 22 triệu đồng/chuyến, chưa kể tiền đá lạnh, lương thực, công lương nhân viên, nhưng mỗi chuyến thu về chưa đạt 30 triệu đồng… Nếu đỗ chờ cũng khó, đi thì sợ lỗ, đành phải tính đến cắt giảm nhân viên, thực phẩm… Chỉ mong nhà nước, Chính phủ có chính sách bình ổn giá để giá nhiên liệu hạ nhiệt, tạo động lực cho ngư dân ra khơi bám biển.
Hiện, các nghề khai thác gần bờ như nghề lưới rê, nghề câu hoạt động kém hiệu quả; một số tàu nghề giã tôm đã chuyển sang làm kiêm nghề cào ngao, cào ghẹ để duy trì hoạt động sản xuất. Các tàu hoạt động trong vùng bờ và vùng lộng tăng thêm thời gian bám biển sản xuất.
Để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, góp phần củng cố và phát triển nghề khai thác thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đề xuất, kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu hơn nhằm giảm bớt chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác thủy sản; kinh phí ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản.
Ngoài ra, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân sang làm nghề khác để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt gây xâm phạm nguồn lợi, hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ.