Tỉnh phấn đấu năm 2025, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn; trong đó, nuôi trồng thủy sản hơn 375.000 tấn (tôm nuôi 100.000 tấn).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi biển. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 7.500 lồng nuôi biển, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng.
Diện tích mặt nước nuôi lồng 7.000 ha (nuôi trai ngọc 100 ha), nuôi nhuyễn thể 24.000 ha. Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó nuôi lồng bè 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể 83.660 tấn và ngọc trai 260.000 viên. Giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng, thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người.
Tỉnh phân vùng nuôi biển đối với vùng hải đảo bao gồm: Thành phố Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương). Vùng này phát triển nuôi cá lồng bè như: Cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm… và nuôi thủy sản khác như: Tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc… Vùng ven biển bao gồm: Thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh và An Biên, phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể như: Sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, hàu…
Song song đó, tỉnh tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác đánh bắt xa bờ đi đôi với thực hiện các giải pháp tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên ngư trường và chuyển đổi nghề cho ngư dân đang hành nghề đánh bắt ven bờ, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản. Tỉnh đầu tư xây dựng các đội tàu mạnh, hiện đại khai thác đánh bắt xa bờ, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt những hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định.
Tiếp đến, tỉnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu tránh trú bão theo quy hoạch tại các địa phương trọng điểm nghề cá trên địa bàn như: Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên, Châu Thành, An Minh, Hòn Đất. Tỉnh xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam tại huyện An Biên.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu thủy sản, xây dựng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mạnh, tạo ra các sản phẩm chủ lực đặc thù của địa phương có chất lượng, giá trị kinh tế cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Trong phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực, tỉnh Kiên Giang chú trọng đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như: Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá; trong đó, tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái chia sẻ: “Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tỉnh hình thành các trung tâm du lịch lớn, đẳng cấp quốc tế, kết nối các tuyến du lịch trong nước và quốc tế, đưa tỉnh Kiên Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của quốc gia, khu vực và thế giới”.
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, nắm bắt xu hướng du lịch thế giới là phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường, trong thời gian tới, tỉnh đầu tư phát triển một số loại hình và sản phẩm du lịch hiện đại, dịch vụ hoàn hảo phục vụ du khách. Cụ thể như: Du lịch nghỉ biển kết hợp với tham quan, ngắm cảnh, chèo thuyền, du thuyền, lặn biển, lướt ván; du lịch golf; du lịch văn hóa lịch sử, khám phá, trải nghiệm biển đảo…
Đối với phát triển công nghiệp năng lượng trong phát triển kinh tế biển, tỉnh thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo quốc phòng an ninh. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển. Tỉnh tập trung phát triển các ngành kinh tế biển mới nổi như: năng lượng tái tạo từ biển, khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao, các ngành kinh tế biển khác.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác thăm dò, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên khoáng sản biển sâu, đặc biệt là khoáng sản có trữ lượng lớn, giáo trị kinh tế cao và các nguồn tài nguyên mới. Tỉnh nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay, tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng các tuyến giao thông ven biển trên địa bàn kết nối liên huyện, liên vùng gắn với các công trình đầu mối về cảng biển, dịch vụ logistics, phát triển đô thị ven biển, dịch vụ hỗ trợ kinh tế biển… hình thành hành lang đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng và logistics ven biển, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên Giang huy động nguồn lực đầu tư phát triển các cảng trọng điểm tại Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải…
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển đội tàu vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vận tải quốc gia, phát triển thêm các tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo phục vụ hoạt động du lịch.
Tỉnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không kết nối với các vùng, địa phương trong nước và quốc tế. Trong đó, tiếp tục phát triển các đường bay từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đến các nước khu vực Đông Nam Á như: Bangkok hoặc Phuket (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Lào, Campuchia đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức, Australia, Pháp, Anh, Ấn Độ… Tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; đồng thời, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay trên biển tại thành phố Rạch Giá.
Trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư vùng biển đảo, giữ gìn, khôi phục và phát huy những hoạt động lễ hội truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư vùng biển đảo. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện, bảo vệ môi trường biển.
Các ngành chức năng tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cùng với đó, tỉnh chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển gắn với khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng này.
Ngoài ra, tỉnh huy động nguồn lực đầu tư các dự án, công trình ngăn chặn, phòng chống sạt lở đê biển tây trên địa bàn, nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản nhà nước và nhân dân an toàn, hiệu quả.