Với 56 km bờ biển, ngư trường rộng 40.000 km2, cùng với đa dạng các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, ngư dân Bạc Liêu có đầy đủ lợi thế để làm giàu. Với họ, biển luôn có sức hấp dẫn kỳ diệu, là quê hương thứ hai của mỗi người. Chính vì vậy, việc khai thác đi cùng với ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc đã trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của gần 7.000 ngư dân trong tỉnh.
Cùng cả nước hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2018, 10 năm thực hiện Chiến lượt Biển Việt Nam, thời gian qua, ở cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải) đã có hàng trăm lá cờ Tổ quốc được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vận động xã hội trao tặng các chủ tàu cá. Giữa muôn trùng sóng biển Tây Nam, mỗi con tàu cùng lá cờ Tổ quốc tung bay là biểu tượng của “cột mốc” biên cương, góp phần củng cố sức mạnh trên biển.
Lá cờ trong trái tim ngư dân
Ở quê biển Gành Hào, một sự thật thú vị là hầu hết ngư dân, các chủ tàu cá đều có ít nhất 3 đời sống bằng nghề biển. Ở tuổi 61 nhưng ông Trần Văn Gia (ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) đã có thâm niên gần 50 năm sống bằng nghề biển. Gia đình ông có 11 tàu đánh bắt xa bờ. Trên nóc con tàu của ông, lá cờ Tổ quốc lúc nào cũng tung bay. Không những thế, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2018, ông còn tình nguyện mua hơn 500 lá cờ tặng cho toàn bộ tàu cá ở cửa biển Gành Hào. Ông nói: “Dù đi bất cứ nơi đâu trên biển, nhìn từ phương xa hễ thấy lá cờ đỏ thắm tung bay phấp phới là lòng cảm thấy tự hào về Tổ quốc mình”.
Ông Nguyễn Chí Nguyện (ở ấp 1, thị trấn Gành Hào) có chiếc tàu cá 450CV, thời gian ông dành cho một chuyến biển từ 2 tháng trở lên. Ông cho biết: “Hễ tàu xuất cảng là treo cờ Tổ quốc nghiêm túc. Như bao con tàu ở cửa biển này, từng chuyến ra khơi, tàu cá của tôi không thể thiếu vắng lá cờ Tổ quốc…”. Hơn 30 năm bám biển, người ngư dân này luôn coi việc sửa soạn và treo cờ Tổ quốc lên nóc tàu như một việc làm vô cùng quan trọng, đặc biệt là những lúc bám vùng biển xa, ngư trường tiếp giáp vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Chương, ở cùng quê biển Gành Hào đều dành cho mỗi chuyến tàu một lá cờ mới, không lúc nào, ông để lá cờ Tổ quốc phai màu. Ông Chương cho rằng, lá cờ Tổ quốc là tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lúc phương tiện ra biển đánh bắt, mỗi lá cờ là một cột mốc sống động như nhân đôi sức mạnh cho ngư dân đánh bắt. Biển đảo của mình đến đâu, cờ của Tổ quốc mình có mặt đến đó.
Trò chuyện với các chủ tàu trong buổi trao tặng lá cờ Tổ quốc, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào nhấn mạnh: “Ra biển là nghề mưu sinh, nhưng mỗi ngư dân đều ý thức rõ sứ mệnh mà Tổ quốc giao cho mình, mỗi chiếc tàu và mỗi ngư dân hãy nêu cao tinh thần yêu nước như một cột mốc sống động, vững chãi cho dùng sóng biển ngàn trùng”. Riêng với Bộ đội Biên phòng Gành Hào, cán bộ, chiến sĩ nơi đây thường xuyên tuyên truyền, giáo dục bà con ngư dân về ý nghĩa của việc treo cờ Tổ quốc trên tàu nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Đoàn kết vì biển đảo quê hương
Nghề biển là nghề nghiệt ngã, nhưng biển đã cho ngư dân biết bao áo ấm, cơm no. Ông Nguyễn Văn Chương vô cùng hạnh phúc nói về cuộc sống nghề biển làm ăn phát triển rất nhanh. Ông chia sẻ: “Từ chỗ buổi đầu chỉ có chiếc ghe, giờ đây tôi đã sắm được 7 chiếc cào đôi đánh bắt xa bờ. Chính vì lẽ đó, chiếc tàu được ví như chính ngôi nhà và biển cũng chẳng khác nào “nồi cơm”. Chính vì vậy, góp phần bảo vệ vùng biển chính là bảo vệ nồi cơm của mình”.
Là người thường xuyên đánh bắt ở vùng biển xa, ông Hồ Ngọc Thuận, ở phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) đúc kết: “Dân đi biển sống rất nghĩa tình. Dù tàu cá của họ quê tận miền Bắc, miền Trung hay ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi ra biển, họ đến với nhau như thể anh em ruột thịt trong nhà”. Những ngư dân yêu biển Bạc Liêu đều khẳng định rằng, khi “đụng chuyện”, người làm nghề biển không ai bỏ ai cả. Thượng tá Hoàng Quốc Việt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) ghi nhận: “Ở cửa biển Nhà Mát này, tình yêu thương đó của những người dân đi biển chưa bao giờ thay đổi”.
Ông Trần Văn Gia (ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) khẳng định, ngư dân giờ đây am hiểu chủ trương, đường lối rất nhiều, nhất là vấn đề bảo về chủ quyền vùng biển của nước nhà. Những năm gần đây, nhờ kết nối thông suốt hệ thống bộ đàm nên các tàu cá liên lạc rất nhanh với Bộ đội Biên phòng ven biển. Hầu hết vật lạ, tàu lạ xuất hiện trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đều được ngư dân thông báo kịp thời cho Bộ đội Biên phòng.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào, đánh giá, các đoàn tàu đánh bắt của tỉnh Bạc Liêu đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất tốt. Họ vừa đánh bắt trên biển nhưng cũng vừa sẵn sàng hỗ trợ Bộ đội Biên phòng xử lý các tình huống trên biển, thường xuyên cùng với lực lượng chức năng lai dắt tàu cá, tàu hàng bị nạn vào bờ mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào cả. Thực tế đã có rất nhiều gia đình khi ra khơi trở thành những đoàn tàu gương mẫu chấp hành pháp luật trên biển.
Bằng tình yêu biển, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hàng ngày ngư dân Bạc Liêu vẫn một lòng bám biển, họ song hành cùng với lá cờ Tổ quốc hiện diện giữa vùng biển Tây Nam. Lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc Việt Nam không chỉ tung bay trong đất liền mà còn tung bay trên mọi vùng biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển.
Cờ Tổ quốc còn giúp cho ngư dân sử dụng làm tín hiệu cứu nạn, gắn kết tình đoàn kết của ngư dân giữa biển khơi. Dù có những lúc biển rất dữ dội, sóng biển hung hăng, nhưng bằng nghị lực phi thường, gần 7.000 ngư dân lao động trên các tàu cá Bạc Liêu cùng với ngư dân cả nước vẫn kiên cường bám biển, bảo vệ màu cờ Tổ quốc trên biển khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.