Về những nhiệm vụ cần đặt ra trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc chia sẻ với Thông tấn xã Việt Nam.
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020), các địa phương đã đạt được những kết quả khá nổi bật. Theo Bộ trưởng, Chương trình đã đạt được điểm nhấn quan trọng nào?
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chúng ta rất phấn khởi với những kết quả đột phá và bao trùm những mục tiêu lớn của Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, thôn thôn và Chương trình đưa ra. Cả nước đã có trên 52% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra và đi trước 1 năm.
Thứ hai là mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân ở vùng nông thôn, mục tiêu Nghị quyết đặt ra là tăng 2,5 lần nhưng trên thực tiễn chúng ta đạt được 3,5 – 3,7 lần. Bên cạnh đó, nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển mới trong hội nhập. Thiết chế hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Trong chương trình này, lần đầu tiên, nguồn lực của người dân được thể hiện một cách mạnh mẽ, ý chí, sự quyết tâm, đồng sức đồng lòng của người dân ở nhiều địa phương đã mang lại sự đổi thay mạnh mẽ cho nhiều làng quê. Nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hình thành nhiều vùng chuyên canh, sức hút đầu tư vào nông nghiệp đã được cải thiện.
Để sẵn sàng cho một giai đoạn mới, theo Bộ trưởng thời gian tới cần phải nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề gì?
Trong giai đoạn tới đây phải nhìn nhận đánh giá rất nhiều vấn đề đặt ra cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là phải đánh giá lại bộ tiêu chí. Có những tiêu chí mang tính chất, bản chất cho sự phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn phải đề ra rất cao. Hay tiêu chí về môi trường, việc duy trì bản sắc dân tộc trong đô thị hóa, vai trò vị thế của nông dân trong công cuộc này… cũng cần được nâng lên.
Đó là những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có các cuộc hội thảo, diễn đàn trên cơ sở đó tiếp thu những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức. Về vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất. Trong các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn từ 2021 trở đi chúng ta phải xác định đây là một trong những nội dung cốt lõi, phải đặt ra trong các chiến lược, đề án, chương trình cụ thể để trở thành một yếu tố thường niên trong quá trình phát triển.
Hay vấn đề tham gia sâu hơn vào chuỗi nông sản toàn cầu, đòi hỏi phải tổ chức sản xuất trên cơ sở những thành quả vừa qua, nhưng bước tới hội nhập sâu hơn yêu cầu chuẩn mực cao hơn, tính chất sản xuất hàng hóa rõ hơn, sự liên kết sản xuất giữa các thành tố từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải chặt hơn. Từ đó quay trở lại là việc hoàn thiện thể chế, tổ chức, cơ chế chính sách, chỉ đạo để đảm bảo cho mục tiêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển trong một tiến trình chủ động hội nhập với tình hình thế giới có nhiều biến động.
Do đó, thời gian tới chúng ta cần phát huy cao nhất những thành quả trong xây dựng, thiết chế hạ tầng, văn hóa… và tập trung các nhóm giải pháp tổng hợp để giải quyết các nút thắt lớn nhất. Đó là tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy sản xuất, đây là nền tảng, bản chất của xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tập trung các nhóm giải pháp để xử lý vấn đề môi trường: môi trường sản xuất, đời sống và môi trường tự nhiên; nâng cao vị thế nông dân, khai thác tiềm năng, lợi thế, nội lực để cả xã hội cùng đồng hành. Đây mới là tạo nên sức mạnh.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện những nhiệm vụ đó chúng ta sẽ cần làm gì?
Trước hết chúng ta phải tận dụng tốt thời đại của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, đó là khoa học, công nghệ để rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước.
Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy tốt nhất các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội, sức mạnh của người dân. Bên cạnh đó, trong bộ tiêu chí cũng có nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp, đa dạng và thiết thực hơn với từng vùng miền. Đặc biệt là vấn đề văn hóa của 54 dân tộc phải được phát huy cao nhất.
Một điểm nữa cần tính toán đến tập trung nguồn lực, nguồn lực cần nhiều hơn, tổng hợp hơn. Một mặt là giá trị tuyệt đối trong đầu tư nhưng quan trọng nhất là thể chế, cơ chế, chính sách làm sao huy động được tổng nguồn lực các thành phần kinh tế đầu tư nhiều hơn vào kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp.
Người dân bằng chính nội lực của mình để hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, phát triển chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuy đã đạt được nhiều kết quả, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án lớn nhưng thực tế con số vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đến nay, mới có trên 10.000 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Vừa qua Chính phủ đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới phải triển khai nghị định này như thế nào để tạo ra động lực thu hút doanh nghiệp tìm đến nông nghiệp, tạo ra bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp sâu hơn, toàn diện hơn.
Làm sao tạo sinh thái đầy đủ từ thể chế, nguồn lực, chỉ đạo… để cả 3 khu vực: Nhà nước, các thành phần kinh tế, người dân cùng đồng hành thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới thành công.
Trong tương lai, Bộ trưởng mong ước về bức tranh nông thôn mới như thế nào?
Kỳ vọng chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững trong hội nhập. Giai cấp nông dân tiến bộ, khá giả, tiến tới giàu có. Xây dựng nông thôn có nét đẹp riêng, các giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ, vùng quê có môi trường sống trong lành, nông thôn là những làng quê thanh tao, đáng sống.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng