Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, tại thời điểm kiểm tra làm thủ tục thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan đã xác định lại trị giá tính thuế tăng so với trị giá khai báo đối với 871 xe ôtô, số thuế tăng thêm so với số thuế khai báo của doanh nghiệp là 887,9 tỷ đồng (trong đó thuế nhập khẩu: 277,5 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 481,8 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 128,6 tỷ đồng).
Kiểm tra thực tế hàng hóa tại Chi cục Hải quan Bến Lứt (Long An). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Ngày 10/1, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Một số hình thức doanh nghiệp thường có xu hướng áp dụng để gian lận giá tính thuế hàng hóa, trốn thuế nhập khẩu
Đó là: Khai thấp dần trị giá đối với những lô hàng, mặt hàng, hồ sơ kiểm tra thuế hàng hóa nhằm trốn thuế nhập khẩu, cắt giảm thuế; khai báo sai tên hàng, xuất xứ khiến việc khai báo giá hàng hóa không đúng thực tế; khai báo trị giá hàng hóa thấp, bất hợp lý; nhập khẩu một số mặt hàng tách rời để giảm giá trị.
Đồng tình quan điểm này, một số ý kiến cho rằng: Theo quy định, người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp theo quy định của pháp luật hiện hành và chịu trách về tính chính xác, trung thực. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng thủ tục hải quan để khai báo trị giá thấp hơn giá thực tế (ví dụ xe ô tô, sắt, thép…); khai báo sai tên hàng hoá, hoặc khai báo chung chung tên hàng hoá để hạ thấp trị giá khai báo nhằm gian lận thuế.
Đây là thách thức lớn đối với ngành hải quan khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng từ 15 - 20% mỗi năm. Bên cạnh đó chủng loại, mẫu mã hàng hóa đa dạng, có xuất xứ từ các nước khác nhau khiến cán bộ hải quan khói khăn khi thu thập thông tin, tham vấn giá, chống gian lận qua giá tính thuế.
Hệ thống máy chủ được vận hành thông suốt góp phần đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của Cục Hải quan Bình Dương. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN |
“Nguyên nhân xảy ra các trường hợp gian lận do quy định hệ thống văn bản chưa đồng bộ, trong và sau khi thông quan hàng hóa; cơ sở dữ liệu xây dựng chưa đồng bộ, cập nhật kịp thời nên doanh nghiệp khai báo giá trị hàng thấp; việc phối hợp, kiểm tra giữa các khâu liên quan tới trị giá hàng hóa chưa liên kết nên tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng”, ông Tưởng nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ lẻ, khai báo trị giá thấp, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo đối với từng trường hợp doanh nghiệp nghi vấn và thu hồi tiền thất thu thuế, tránh tình trạng sau thông quan, doanh nghiệp không hợp tác với hải quan; tập trung xây dựng 4 cơ sở dữ liệu về trị giá hàng hóa để làm cơ sở tham vấn và kiểm tra sau thông quan… Trong năm 2016, Tổng cục Hải quan đã bổ sung Danh mục quản lý rủi ro về trị giá tính thuế, trong đó tập trung vào những nhóm hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, thuế suất cao… Đây là cơ sở để xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hiện tham vấn, bác bỏ trị giá khai báo để xác định lại trị giá nhằm chấm dứt tình trạng các mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao nhưng giá khai báo thấp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn chấn chỉnh các cục hải quan địa phương trong việc kiểm tra trị giá tính thuế; đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm của công chức, lãnh đạo bộ phận có liên quan nếu không thực hiện đúng quy định. Trường hợp doanh nghiệp khai thấp hơn Danh mục quản lý rủi ro về giá tính thuế, cơ quan hải quan sẽ tiến hành tham vấn giá; kiểm tra sau thông quan đối với những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận.
Trong năm 2016, số thu ngân sách của hải quan đạt 272.239 tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán Quốc hội giao, tăng 3,8% so với năm ngoái. Đặc biệt, số tiền thu được qua việc xác định lại giá tính thuế hàng nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ đồng.