Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Đây là hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động của “Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học mới của các nước thành viên APEC đã chia sẻ về các thành tựu công nghệ sinh học trong thời kỳ kỷ nguyên số như công nghệ biến đổi gen, công nghệ về lai chọn tạo giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, khả năng đề kháng, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã truyền tải nhiều thông điệp để ứng dụng công nghệ bền vững nhất để hài hòa, hội nhập với quốc tế trong hợp tác phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng Nhóm Diễn đàn Đối thoại về công nghệ sinh học nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn): Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Bộ xác định 3 giải pháp quan trọng để thực hiện là phát triển tư liệu sản xuất, giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp về cơ chế chính sách. Trong đó, giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ là quan trọng, tác động đến sự thay đổi đột phá về chất lượng năng suất các công cụ để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam.
Hội thảo công nghệ sinh học nông nghiệp trong thời kỳ kỷ nguyên số và Diễn đàn sau hội thảo với sự tham gia của các thành viên trong APEC là sự kiện quan trọng góp phần cập nhật thông tin mới nhất về công nghệ mới trong công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao có giá trị gia tăng.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nông nghiệp Miền Nam: Hiện Việt Nam có cơ sở để phát triển nhanh lĩnh vực công nghệ sinh học do có lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài về, được tiếp cận với các công nghệ mới. Các công nghệ sinh học được Việt Nam ứng dụng phổ biến nhất như công nghệ chuyên về nghiên cứu để xác định về tình trạng chống chịu sâu bệnh, dịch hại, về biến đổi khí hậu, khô hạn, chống chịu mặn của cây trồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cây lúa, ngô, đậu tương là những giống cây được tiếp cận rất tốt về công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có một đội ngũ mạnh về công nghệ vi sinh... Những tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp sẽ mang đến lợi ích rất lớn cho nền nông nghiệp nước nhà trước tình hình biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp...
Theo ông Robert Hanson, Tham tán Văn phòng Nông nghiệp Mỹ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một thành viên của APEC thực hiện thành công việc huy động nguồn lực xã hội hóa để áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Tại hội thảo này các đại biểu sẽ tiếp thu được nhiều thông tin mới, kết nối được mạng lưới thông tin, chia sẻ, trao đổi và đối thoại về công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đề ra các chính sách cấp cao trong tương lai về đường hướng phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp.